Nhờ áp dụng quy trình trồng dưa bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP, 170 hộ ND ở 2 xã An Dương và Việt Lập (huyện Tân Yên) đã có một vụ mùa bội thu, với những sản phẩm đạt chất lượng cao.
Đây là lần đầu tiên huyện Tân Yên áp dụng quy trình trồng dưa bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) phối hợp với Hội ND và Phòng NNPTNT huyện triển khai trên diện tích 12,7ha (xã An Dương 3ha, xã Việt Lập 9,7ha). Có 170 hộ tham gia mô hình sản xuất mới này.
Cánh đồng dưa chuột VietGAP của xã An Dương.
Cách làm mới
Trước khi trồng dưa bao tử theo quy trình VietGAP, nông dân 2 xã An Dương, Việt Lập đã trồng dưa bao tử theo phương thức cũ nên chất lượng dưa không cao, năng suất thấp. Chỉ sau 1 vụ áp dụng quy trình VietGAP, điều bà con dễ nhận thấy nhất là không còn thấy mùi thuốc sâu trên các ruộng dưa. Bí quyết đơn giản là thay phân bón hóa học bằng phân vi sinh, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.
Vụ đông năm nay, gia đình anh Trần Văn Toan (thôn Tiêu, xã An Dương ) trồng 2 sào dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP. Kết thúc vụ, anh thu được 1.500kg dưa, bán cho các công ty chế biến giá 6.500 đồng/kg. Với 2 sào dưa chuột bao tử, anh thu về gần 10 triệu đồng.
Anh Toan cho biết: “Làm theo quy trình VietGAP, dưa có chất lượng cao hơn so với sản xuất kiểu truyền thống. Trong quá trình trồng, tôi phải chú ý khâu bón phân, chăm sóc, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu đúng theo định kỳ. Sức khỏe của tôi khá hơn trước vì không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học độc hại".
Cũng là hộ tham gia trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, chị Trần Thị Vỹ (thôn Cầu Cần, xã Việt Lập) rất phấn khởi vì thu nhập cao hơn trồng dưa theo phương pháp thông thường. Với 3 sào dưa bao tử, sau 1 tháng chị thu 2.000kg quả, bỏ túi gần 15 triệu đồng. "Trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP thì cây bền, ra quả đồng đều, dễ làm và năng suất cao. Cũng trên diện tích này, năm ngoái gia đình tôi chỉ thu được 1.600 kg thôi"- chị Vỹ cho hay.
Nông dân hưởng lợi
An Dương và Việt Lập là 2 xã đầu tiên ở Tân Yên áp dụng quy trình trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Thân Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội ND huyện Tân Yên, trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con phải nắm chắc quy trình, thường xuyên thăm đồng, phun thuốc đúng định kỳ".
Để phổ biến cách trồng cho ND, Hội ND huyện đã mở 2 lớp tập huấn. Qua lớp học, bà con đã nắm chắc kỹ thuật, trình tự sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn; nâng cao chất lượng sản phẩm, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường.
Ông Quỳnh cho biết: Nông dân trồng dưa bao tử theo quy trình VietGAP được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Đến vụ thu hoạch, các công ty chế biến sẽ về tận nơi thu mua, giá bán ra cao hơn so với dưa bao tử trồng theo cách truyền thống. Hơn thế, bà con đã nhận rõ hiệu quả việc trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ có lợi cho sức khỏe của người trồng mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Theo ông Quỳnh, vướng mắc hiện nay là giá thu mua dưa bao tử VietGAP 6.500 đồng/kg, dưa bao tử trồng theo cách cũ 6.000 đồng/kg, nên chưa khuyến khích được bà con sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn. Điều này rất cần sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước.