Lá cờ đầu trong phong trào nông dân

 9314 lượt xem
Năm 2011 là năm thứ 5 liên tiếp Hội Nông dân (HND) huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang dẫn đầu khối huyện, thị, thành phố trong phong trào thi đua. Nhưng có lẽ thành tích lớn nhất mà Huyện hội có được là cuộc sống các hội viên ngày càng khấm khá. Cũng từ đó, họ tích cực lao động sáng tạo, đóng góp vào công tác hội và xây dựng quê hương. 

 Dường như mùa xuân về sớm hơn với gia đình anh Đỗ Phú Khởi (hội viên Chi hội Nông dân ấp Nhơn Thuận 1A, xã Nhơn Nghĩa A), bởi vừa qua, anh được xét thoát nghèo bền vững. Trước đây, gia đình nghèo không có vốn sản xuất. Sau đó anh được HND ấp, xã tín chấp cho anh vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội 2 lần 8 triệu đồng. Có được đồng vốn, anh tập trung chăn nuôi heo nái và làm dịch vụ sân phơi lúa. Do nhu cầu phơi lúa của các thương lái khá lớn, nên hầu như sân hoạt động hết công suất, bình quân mỗi tháng gia đình anh Khởi có thu nhập 5 triệu đồng. Anh Khởi cho biết: “Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nhẹ lãi, nên tôi mới dám đầu tư làm sân phơi. Bây giờ có thu nhập khấm khá, cuộc sống gia đình hiện rất ổn định, nên tôi xin tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo”.

 
 
Nông dân Châu Thành A trồng màu cho thu nhập cao.
 
Anh Khởi là 1 trong 470 hộ nông dân là hội viên được Hội giúp thoát nghèo trong năm 2011. Không chỉ giúp nông dân vượt nghèo mà các cấp hội còn tạo điều kiện nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Minh chứng là năm qua toàn huyện có 9.236 nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, tăng gần 1.000 hộ so năm 2010 (đạt 221% chỉ tiêu). Đặc biệt, toàn huyện có 1.475 mô hình cho thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Điển hình như nông dân Trần Hồng Quân, ấp 1B, thị trấn Một Ngàn có thu nhập cao từ mô hình nuôi ba ba sinh sản và ba ba thịt. Anh Quân khởi nghiệp nuôi ba ba từ năm 2000, đến nay có trong tay 3.500 con ba ba bố mẹ, mỗi năm cho khoảng 100.000 con ba ba giống. Giá ba ba giống thường tăng, giảm bất thường, nhưng nhờ anh nuôi thêm ba ba thịt, nên mỗi năm gia đình anh vẫn có thu nhập ổn định 300-400 triệu đồng. Anh Quân cho biết: “Nhờ tôi học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, chịu khó lên mạng internet tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba sinh sản và ba ba thịt, nên tỷ lệ hao hụt rất ít. Cũng nhờ lên mạng mà tôi mở rộng đầu ra cho ba ba giống ở nhiều thị trường ngoài tỉnh và liên kết tiêu thụ con giống với các trại giống khác”.
 
Để có nhiều nông dân vượt nghèo, làm giàu như vậy, HND huyện vận động nông dân tham gia tổ chức đoàn kết, tương trợ. Năm qua, có 14 tổ đoàn kết tương trợ được thành lập mới, nâng toàn huyện lên 441 tổ, có 18.396 thành viên; phát triển mới 14 tổ hợp tác sản xuất, nâng toàn huyện là 210 tổ, với 7.044 thành viên. Từ những tổ này, các thành viên góp hơn 7,5 tỉ đồng tương trợ, hợp tác với nhau để phát triển kinh tế. Ngoài ra, năm nay Hội còn tranh thủ nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội phát triển vay 9,5 tỉ đồng cho 226 hộ nông dân, đến nay có 5.945 hộ nông dân được vay hơn 58,205 tỉ đồng. Hội còn vận động các mạnh thường quân 137 triệu đồng hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất. Cũng năm qua, 48 tổ hùn vốn cất nhà của Huyện hội đã hùn và cất được 281 căn nhà cho hội viên (khoảng 60 triệu đồng/căn); phối hợp với ngành nông nghiệp mở trên 170 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 7.600 lượt nông dân; tổ chức cho hơn 1.400 nông dân tham quan, dự hội thảo các mô hình sản xuất mới, hiệu quả trong và ngoài huyện…
 
Với sự giúp đỡ tận tình về vốn, hướng dẫn kịp thời kỹ thuật làm ăn, nên ngày càng có nhiều hội viên có cuộc sống khấm khá. Vì vậy, tổ chức hội thật sự thu hút được nông dân tham gia sinh hoạt. Năm 2011, Hội thu hút thêm 1.237 nông dân tham gia sinh hoạt hội (đạt 147% chỉ tiêu), nâng tổng số lên hơn 24.000 hội viên nông dân (chiếm 84% lao động nông thôn), có 20 ấp thu hút  90% lao động nông nghiệp vào Hội.
 
Một khi đời sống của hội viên nông dân được nâng lên, bà con sẵn sàng đóng góp hội phí, quỹ hội, giúp hội có nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động tốt hơn. Năm 2011, các hội viên đóng hội phí hơn 117 triệu đồng (đạt 113% chỉ tiêu), các cấp hội xây dựng quỹ hội hơn 1,2 tỉ đồng. Hội viên còn tích cực hưởng ứng các phong trào địa phương phát động như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, toàn huyện có 15.600 hộ hội viên đạt tiêu chuẩn “Gia đình nông dân văn hóa” và đạt chuẩn “5 không”; nhận và thực hiện 11 công trình giao thông - thủy lợi mang tên Hội...
 
Chủ tịch HND huyện Châu Thành A Trương Văn Tính chia sẻ kinh nghiệm: “Tổ chức hội được củng cố, bổ sung kịp thời. Đặc biệt là bổ sung những cán bộ có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức, đam mê công tác hội, có tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng, lãnh đạo công tác hội và phong trào nông dân. Đối với phong trào thi đua, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã triển khai kế hoạch giao ước thi đua đến các xã, thị trấn bằng các chương trình hành động cụ thể sát với thực tế địa phương. Ngoài ra, Hội phát động một đợt thi đua ngắn hạn đến ngày 30-4 hàng năm. Khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể đạt thành tích tốt, từ đó làm động lực thúc đẩy phong trào thi đua, giúp Huyện hội đạt thành tích cao trong  thời gian qua”.
 
 
Ý kiến của bạn