Đăk nông: Nâng cao chất lượng trong phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm

 9929 lượt xem
Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Đăk Nông đã đẩy mạnh phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm trong cán bộ, giáo viên để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thì tính từ năm học 2007-2008 đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn sáng kiến, kinh nghiệm của giáo viên các cấp tham gia dự thi; trong đó, có gần 1000 sáng kiến, kinh nghiệm được Sở công nhận. 

Phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm giúp giáo viên tích lũy được thêm nhiều kiến thức để nâng cao hiệu quả các giờ dạy.

Có thể nói, nhờ phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã có thêm điều kiện để học tập, trao đổi những cách làm hay, những biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy. Nhiều cán bộ, giáo viên xem đây như là một “kênh” thông tin để nâng cao tay nghề của mình. Ở các trường, hàng năm, mỗi giáo viên đều viết một sáng kiến, kinh nghiệm, được đúc kết từ những kinh nghiệm dạy học của mỗi người. Chính vì vậy, việc tham khảo những sáng kiến, kinh nghiệm của các đồng nghiệp đã giúp mỗi giáo viên tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong quá trình dạy học của mình, nhất là trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên đã chịu khó tìm tòi thêm những cách làm hay, ghi lại những bài học quý giá trong thực tiễn dạy học để viết sáng kiến, kinh nghiệm dự thi, thể hiện khả năng trong công tác chuyên môn. Nhờ đó, hiện nay, việc xây dựng và áp dụng các phần mềm vào công tác đổi mới quản lý, giảng dạy được nhiều cán bộ, giáo viên ở các trường tham gia với chất lượng khá tốt. Nhiều tác giả đã mạnh dạn thể nghiệm, đúc rút kinh nghiệm các mặt hoạt động của nhà trường, kể cả các vấn đề mới như: Quản lý chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, thực hiện chương trình phân ban THPT, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…Với việc coi trọng chất lượng, tránh chạy theo số lượng, đánh giá thi đua, ngành Giáo dục không đòi hỏi sáng kiến phải như một đề tài nghiên cứu với những vấn đề lớn, có tầm vĩ mô mà chỉ yêu cầu là phải có thực, được tích lũy từ thực tế công việc. Đó có thể là một kinh nghiệm hay, một cách làm hiệu quả, cũng có thể là một sự thất bại, để đồng nghiệp cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm. Vì vậy, nội dung, chất lượng của nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đã thể hiện rõ sự sáng tạo, tâm huyết của người viết đối với các hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm của ngành vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định. Thực tế cho thấy, không phải giáo viên nào cũng biết viết một bản sáng kiến, kinh nghiệm thực sự mang tính chất lý luận, có cơ sở khoa học, có thể áp dụng tốt trong quản lý và giảng dạy. Nhiều người có những kinh nghiệm hay, nhưng chưa biết viết theo trình tự như thế nào, để người đọc hiểu và áp dụng trong thực tế. Mặt khác, việc viết sáng kiến, kinh nghiệm hiện nay đã trở thành một nhiệm vụ trong hoạt động chuyên môn hàng năm của mỗi cán bộ, giáo viên. Điều đó dẫn đến việc nhiều người tìm cách để có được bản sáng kiến, kinh nghiệm nộp cho có hình thức, ít đầu tư công sức. Không ít cán bộ, giáo viên lại sao chép của đồng nghiệp khác trường, chép từ trên mạng Internet hoặc viết đại khái dựa trên một số kiến thức bộ môn, phương pháp dạy học tiếp thu từ các lớp học bồi dưỡng…Trong khi đó, sáng kiến, kinh nghiệm phải xuất phát từ thực tiễn, phải có thử nghiệm, có sáng tạo, có bứt phá từ công việc hàng ngày. Thậm chí, một số người năm nào cũng chỉnh sửa, cắt gọt, bổ sung từ một bản sáng kiến của chính mình để cuối năm đủ tiêu chuẩn xét thi đua. Ngoài ra, những sáng kiến được xếp loại cao thì việc nhân rộng, áp dụng trong thực tế cũng khó thực hiện vì các tác giả chỉ chú ý đến điều kiện của nơi mình công tác mà chưa quan tâm đến điều kiện thực tế của đa số các trường học trên phạm vi toàn tỉnh.
 
Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Điều mà ngành luôn khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên đó là việc viết sáng kiến, kinh nghiệm phải coi trọng chất lượng, tránh hình thức. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành sẽ có những biện pháp cụ thể để đổi mới trong cách công nhận, xếp loại sáng kiến, kinh nghiệm của mỗi cán bộ, giáo viên và có chế độ khuyến khích, động viên xứng đáng cho những người có sáng kiến, kinh nghiệm chất lượng, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, để phổ biến cho tất cả các cán bộ, giáo viên trong ngành, đồng thời tránh tình trạng sao chép và làm một cách đối phó, ngành sẽ triển khai việc công bố các sáng kiến, kinh nghiệm lên mạng Internet cho mọi người đều được biết.
 
 
Ý kiến của bạn