Một nền nông nghiệp mới phải phù hợp những đòi hỏi và thách thức của thời đại cả về kinh tế, xã hội và môi trường, có những sứ mệnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Trước tiên, cần phải hiểu một nền nông nghiệp mới là nền nông nghiệp có công nghệ thích hợp, hiệu quả với sự quản lý chuyên nghiệp hiện đại, mang tính cạnh tranh cao. Một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, không nhất thiết phải có công nghệ cao nhất, nhưng phải có công nghệ thích hợp và hiệu quả, có sự quản lý chuyên nghiệp và hiện đại về tài chính, chất lượng, bảo hiểm, thương hiệu, môi trường.
Rất cần xây dựng một nền nông nghiệp mới.
Nông nghiệp hiện nay đã bắt đầu chuyên môn hóa mạnh, nhưng ít tính chuyên nghiệp. Một trang trại hàng trăm ha, hoặc hàng vạn gia cầm vẫn quản lý không khác gì những hộ sản xuất quy mô nhỏ. Để tăng tính chuyên nghiệp, cần gắn điều kiện quản lý chất lượng, dịch bệnh, bảo hiểm… tăng dần theo quy mô sản xuất. Tiến dần tới cấp phép sản xuất, gắn với yêu cầu quản lý trang trại, từ đó đảm bảo toàn bộ sản xuất nông nghiệp quy mô trang trại gia đình được cấp phép trên cơ sở yêu cầu về quản lý chuyên nghiệp, hiện đại.
Đất đai phải thuộc về nông dân
Một đặc trưng thứ hai của nền nông nghiệp mới là ở đó, người nông dân là chủ thể trong sản xuất, kinh doanh. Để nông dân có thể là chủ thể, cần làm rõ quan điểm, nền nông nghiệp quan trọng nhất là có sứ mệnh đảm bảo sinh kế, công ăn việc làm của hàng triệu nông dân.
Một nền nông nghiệp hiện đại, mà nông dân bị bần cùng hóa như đã xảy ra ở nhiều nước châu Phi, Mỹ La- tinh, thì chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề nông dân. Do vậy, sản xuất trực canh, tạo việc làm cho hộ gia đình phải là chính sách ưu tiên trong sử dụng đất đai, đầu tư trong nông nghiệp.
Doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, lưu trữ… song cần có quy hoạch và kiểm soát để khỏi lấn sân của nông dân, chiếm đất đai, thị trường của nông dân.
Để làm được vai trò chủ thể của mình, nông dân không thể như hiện nay, mà từng bước phải trở thành những hộ sản xuất gia đình quy mô lớn, chuyên nghiệp, có sự liên kết mạnh trong sản xuất, quản lý chất lượng, đầu tư chế biến, quản lý thương hiệu, đàm phán thương mại.
Đồng thời, phải hình thành những tổ chức đại diện thực sự cho nông dân theo ngành nghề mang tính liên tỉnh, liên vùng để tăng tính liên kết, nhất là những ngành hàng có sự cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước như cà phê, cao su, hạt điều, thủy sản…
Cũng cần phát triển các hợp tác xã (HTX) trang trại nông dân thủy sản, cà phê, phát triển hiệp hội liên vùng các trang trại cà phê, thủy sản, xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển nghiệp đoàn toàn quốc của nông dân về những lĩnh vực đó để làm cơ sở cho liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường và cũng giúp cho quản lý Nhà nước hiệu quả hơn...
Phải có liên kết
Trong nền nông nghiệp mới, sự liên kết là rất cần thiết. Sự liên kết ở đây được hiểu là liên kết giữa các vùng sản xuất nông nghiệp trong những ngành hàng liên vùng, giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và giữa chính nông dân với nhau để tăng quy mô sản xuất kinh doanh, giảm chi phí giao dịch, tăng cạnh tranh.
Sự liên kết, xây dựng hành động tập thể phải tổ chức cả trong không gian (cánh đồng và trang trại thuộc sở hữu nhiều chủ, nhưng cùng quy trình, kế hoạch sản xuất, quản lý chất lượng). Nhà nước cần ưu tiên, khuyến khích hình thành và phát triển các yếu tố liên kết trong sản xuất như liên kết không gian sản xuất, quản lý chất lượng, cùng đầu tư, quản lý và phát triển thương hiệu chung, bảo hiểm.
Một yếu tố quan trọng của nền nông nghiệp mới phải có quy hoạch ổn định, lâu dài ở cấp độ quốc gia, có tính liên vùng tránh sự chia cắt bởi không gian hành chính trong từng vùng, thôn, xã. Mặt khác, cần quy hoạch ổn định sử dụng đất cho nông nghiệp lâu dài trên 50 năm, điều đó sẽ đảm bảo cho sự tách bạch về thị trường đất đai đô thị, công nghiệp với đất nông nghiệp.
Cần quy hoạch ổn định sử dụng đất cho nông nghiệp lâu dài trên 50 năm, điều đó sẽ đảm bảo cho sự tách bạch về thị trường đất đai đô thị, công nghiệp với đất nông nghiệp.
TS Vũ Trọng Bình
Sự tách bạch này sẽ kéo đất nông nghiệp giảm giá, chống đầu cơ đất nông nghiệp làm đô thị, nông dân sản xuất trực canh thực sự mới có cơ hội tiếp cận, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp. Sự dịch chuyển liên tục vành đai đô thị theo kiểu làn sóng, chứ không theo kiểu mạng lưới xen vùng nông nghiệp đã làm cho hình thành một vành đai nông nghiệp thoái hóa, cách tâm đô thị lớn tới hàng trăm km, ở đó sản xuất nông nghiệp cầm chừng, đất đai chỉ dùng tích tụ để đầu cơ.
Do đó, nông dân phải được sở hữu và thừa kế, chuyển nhượng, để sản xuất theo quy hoạch. Những ai không là nông dân, không được sở hữu tư nhân đất nông nghiệp, bắt buộc phải bán lại cho nông dân. Đảm bảo thực sự đất nông nghiệp là để làm nông nghiệp, và là công cụ sản xuất thực sự của nông dân.
Sự ổn định quy hoạch không những về sản xuất mà cả mạng lưới nhà máy chế biến, đại lý thương mại dịch vụ sẽ làm nền tảng pháp lý để cấp giấy phép cho sản xuất, chế biến, dịch vụ đầu vào, đầu ra theo quy hoạch, những ai làm sai những quy định nhà nước, có thế thu hồi giấy phép sản xuất, chế biến, dịch vụ cho nông nghiệp để đem đấu giá.