Là xã ở vùng tiếp giáp biển nên sản xuất nông nghiệp của xã Giao Long (Giao Thủy, tỉnh Nam Định) gặp nhiều khó khăn. Do diện tích đất nông nghiệp chủ yếu bị nhiễm chua mặn nên xã đã quy hoạch vùng sản xuất lúa đảm bảo an toàn lương thực theo chỉ tiêu huyện giao, đồng thời chuyển đổi các vùng trũng cấy lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản
Mô hình chăn nuôi của hộ ông Trần Văn Sử ở xóm 2, xã Giao Long (Giao Thuỷ) mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, xã có 454ha cấy 2 vụ lúa trong năm, chủ yếu là giống Tạp giao chiếm 85%; lúa thuần các loại như Q5, BT7 khoảng 10% diện tích, còn lại là các giống lúa nếp N87, N97, Nếp cái hoa vàng… Bình quân năng suất lúa xuân của xã đạt 77 tạ/ha, năng suất lúa vụ mùa đạt 45 tạ/ha. Thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tỉnh, từ năm 2006 đến nay, xã đã chuyển đổi 53ha sang nuôi thủy sản nước ngọt chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… Ngoài ra, trên diện tích hơn 6ha ở vùng xâm canh thuộc khu đồng 6 sản xuất muối kém hiệu quả, xã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã hiện nay lên 70ha. Năm 2011, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của xã đạt 730 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 712 tấn, thủy sản mặn lợ đạt 18 tấn. Tại vùng nuôi thủy sản mặn lợ, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ đấu thầu để phát triển gia trại theo mô hình VAC. Các hộ nuôi thuỷ sản được Trung tâm Giống hải sản tỉnh giúp đỡ và hướng dẫn người nuôi dùng công nghệ sinh học để xử lý môi trường thay cho hoá chất Clorin, giúp tiết kiệm chi phí tới 20% so với dùng hoá chất đồng thời bảo đảm phát triển an toàn bền vững. Năm 1999, hộ ông Trần Văn Sử được xã cho thuê 3.000m2. Ngoài 3 ao nuôi cá truyền thống, ông còn nuôi 10 con lợn nái, 50 con lợn thịt và hơn 400 con vịt đẻ. Trung bình mỗi tháng ông xuất bán hơn 1,1 tấn thịt lợn hơi xuất chuồng và hơn 10 vạn quả trứng vịt, mỗi năm thu nhập 150-170 triệu đồng. Dự kiến năm nay ông sẽ đào ao rộng 1.000m2 nuôi ba ba trơn. Hộ anh Trần Văn Bằng ở xóm 16 nuôi 9 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 30 con lợn giống, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất hơn 200 con lợn, thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm 2012, anh tiếp tục mở rộng thêm 100m2 chuồng trại với 70 con lợn thịt, đồng thời nuôi thêm hơn 300 con vịt đẻ. Hộ các ông Lương Văn Thường, Nguyễn Văn Hoạch đều có thu nhập cao nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Thế mạnh về khai thác thủy sản cũng được xã tập trung duy trì. Hiện xã có, 150 tàu thuyền, trong đó có 50 tàu thuyền khai thác xa bờ, có công suất máy 90-100CV. Xã đã tổ chức số lao động khai thác thủy hải sản thành đoàn hội, có tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho các phương tiện và người khai thác xa bờ. Tổng sản lượng khai thác thủy hải sản của xã năm 2011 đạt 2.270 tấn.
Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất bền vững góp phần tạo thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13%. Tuy nhiên, để phát triển thế mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các cấp, các ngành cần quan tâm, hỗ trợ khoa học công nghệ, đưa các cây trồng, con nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đồng thời có các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập./.