Với mong muốn sẽ ngày càng nhiều người nhận thức rõ về tác hại của việc sử dụng túi ni lông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, suốt nhiều năm qua, có một người phụ nữ luôn kiên trì với hành trình đưa túi nilon tự hủy sinh học vào các chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là bà Phan Thị Thúy Phượng, Công ty Tổng hợp II, là một trong những người tiên phong trong việc sản xuất túi nilon sinh học tự hủy thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
Với nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh người phụ nữ tên Thúy Phượng với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu ngày ngày đến các chợ, các siêu thị phát miễn phí những chiếc túi nilon tự hủy sinh học thân thiện với môi trường đã không còn xa lạ.
Họ bảo rằng, đó là một người phụ nữ kiên trì. Bản thân bà Phượng từng có nhiều năm công tác tại Phân viện Khoa học địa chất khoáng sản khu vực phía Nam, có dịp được đi nhiều nơi, bà hiểu rằng, môi trường sống đang phải chịu ô nhiễm từ rác thải nhựa khó phân hủy gây ra. Lúc đó bản thân bà nghĩ phải có hành động để bảo vệ môi trường.
Bà Phan Thị Thúy Phượng (phải) tư vấn cho người tiêu dùng về túi nilon tự hủy sinh học tại chợ Gò Vấp.
Năm 2011, sau khi biết đến dự án về bao bì tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, bà đã cộng tác để đưa sản phẩm túi nilon tự hủy ra thị trường Việt Nam. Tuy nhiên do nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, cùng với nhận thức của người dân còn hạn chế nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và giải thể.
Dù vậy, bà không bỏ cuộc, bà vừa miệt mài nghiên cứu, vừa đi tìm những cộng sự đồng chí hướng để tiếp tục thực hiện dự án này. Khi dự án ở giai đoạn nước rút, bà phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư vú. Bệnh tật không đánh gục được bà, vừa điều trị bệnh, bà vừa nghiên cứu tìm cách để sớm đưa ra thị trường những chiếc túi nilon tự hủy thân thiện môi trường.
Năm 2017, khi sức khỏe đã hồi phục, bà phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Dự án đưa túi sinh học tự hủy thân thiện với môi trường vào các chợ trên địa bàn thành phố.
Bà Phượng chia sẻ: “Chợ truyền thống là một trong những nét đẹp của người Việt Nam, nhưng nếu chúng ta để ý sẽ thấy mỗi người khi đi chợ, sẽ mang về từ 5 đến 7 chiếc túi nilon, mà theo nghiên cứu thì phải mất 300 đến 500 năm mới phân hủy được, vậy vô tình chính đại đa số chị em phụ nữ, những người nội trợ đang xả rác thải nhựa nhiều nhất, gây ô nhiễm môi trường. Điều đó khiến tôi trăn trở và quyết định phối hợp với Hội LHPN Thành phố thực hiện dự án này”.
Mọi việc không hề đơn giản, bởi vốn dĩ mọi người đã quen với việc sử dụng những túi nilon có từ trước, giá thành rẻ, đa phần không ai để ý đến tác hại của chúng với môi trường sống, vì vậy bà và các cộng sự đã gặp không ít khó khăn.
“Thời gian đầu chúng tôi chủ yếu đến phát tặng để các tiểu thương dùng thử, sử dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày một chút, giúp mọi người hiểu về tác dụng của túi nilon tự hủy, từ đó sẽ chuyển sang sử dụng chúng”. Bà Phượng bộc bạch.
Cùng với đó, bản thân bà cũng đã chủ động tìm đến sự hỗ trợ của Ban Quản lý các chợ truyền thống, tham gia sinh hoạt với các Chi hội Phụ nữ để có dịp chia sẻ với tiểu thương, với chị em phụ nữ qua đó tuyên truyền, vận động họ sử dụng túi nilon tự hủy sinh học.
Sự kiên trì của bà đã được đền đáp khi trên toàn địa bàn TP đã có rất nhiều tiểu thương tại các chợ lớn sử dụng túi nilon tự hủy sinh học. Không những vậy họ còn là những tuyên truyền viên cùng với Hội LHPN TP tuyên truyền đến những người xung quanh về tác dụng của loại túi nilon thân thiện với môi trường, kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về những thành công đã làm được trong những năm qua, bà Phượng nói: “Với tôi đến thời điểm này, thành công nhất là mỗi khi đến gặp các tiểu thương tôi đều được đón chào. Những chiếc túi nilon tự hủy sinh học thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II do tôi làm Giám đốc đối ngoại đến nay đã được nhiều tiểu thương, nhiều chị em phụ nữ biết đến và sử dụng. Mỗi tháng các chợ truyền thống và hệ thống các siêu thị tiêu thụ 100 tấn túi nilon sinh học tự hủy thân thiện với môi trường”.
“Những thành công bước đầu là động lực tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, mở rộng dự án ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khi Thủ tướng đã gửi thông điệp về chống rác thải nhựa thì không có lý do gì để mất niềm tin vào việc mà tôi đã theo đuổi”. Bà Phan Thị Thúy Phượng phấn khởi nói.
Theo bà Phượng, những điều mà bà đang làm chỉ là một phần rất nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Để môi trường sống trong sạch hơn đòi hỏi ý thức của mọi tầng lớp nhân dân, muốn vậy cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể, cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tác hại của rác thải nhựa. Từ việc hiểu mới có thể vận động để nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nói không với rác thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần…
Hoàng Mai