Thủ lĩnh ở một đơn vị vững mạnh toàn diện

 262 lượt xem
Trung tâm Đột quỵ (TTĐQ) - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những những đơn vị chuyên môn sâu của bệnh viện, cùng với nhóm liên khoa áp dụng các kỹ thuật hiện đại, các phương pháp điều trị đặc hiệu, tiên tiến để trở thành một địa chỉ tin cậy, có uy tín cao của cả nước trong lĩnh vực cấp cứu, xử trí các bệnh nhân đột quỵ não cấp. Để có được những kết quả quan trọng đó, có sự đóng góp không nhỏ của người thủ lĩnh - Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến. 

Là Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy trong tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ não, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
TTĐQ có biên chế gồm 10 bác sĩ, 22 điều dưỡng. Với 64 giường bệnh nhưng Trung tâm th¬¬ường  xuyên thu dung lên đến 70 - 80 bệnh nhân (BN), có thời điểm có tới 10 -15 BN phải nằm cáng. Tình trạng quá tải chính là áp lực nhất đối với TTĐQ.
Bên cạnh những khó khăn trên Trung tâm cũng có rất nhiều những thuận lợi: Có sự quan tâm sâu sát của Đảng ủy - BGĐ Bệnh viện. Trung tâm cũng nằm trong đội hình chung của Bệnh viện (BV), có nhiều chuyên ngành liên quan với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên môn giỏi. Ngoài ra, Trung tâm đã chuyển lên tòa nhà mới, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại là những điều kiện rất thuận lợi cho Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vượt qua những thách thức, khắc phục những khó khăn, bản thân Thượng tá Tuyến đã cùng với cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo Trung tâm đột quỵ não đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong năm 2019, Trung tâm đã thu dung, điều trị 3.068 BN, so với những năm trước tăng đáng kể (năm 2014 hơn 1.200 BN, năm 2018 là 2.300 BN, sau 4 năm số BN tăng hơn gấp đôi). Mặc dù Trung tâm liên tục trong tình trạng quá tải xong chưa từ chối nhận bất cứ BN đột quỵ cấp nào đến với Bệnh viện. Công tác cấp cứu và điều trị bảo đảm hiệu quả, an toàn, không có tai biến, tai nạn lớn trong năm vừa qua. Mặc dù số lượng BN thu dung tăng lên đáng kể nhưng biên chế hầu như không thay đổi. Để hoàn thành nhiệm vụ, Thượng tá Tuyến cùng với chỉ huy Trung tâm đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức điều hành, để đảm bảo tăng năng suất làm việc cũng như luân chuyển BN nhanh hơn…
Để cấp cứu, điều trị thành công bệnh nhân đột quỵ đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều chuyên ngành. Thời gian là điểm mấu chốt góp phần quyết định sự sinh - tử của bệnh nhân đột quỵ não, việc cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ cũng được ví như một cuộc chạy đua với thời gian. Như vậy, vai trò của làm việc tốt theo nhóm sẽ rút ngắn được nhiều thời gian trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, vai trò của người chỉ huy phải là hạt nhân trong hoạt động liên kết nhóm này.
Nhờ hoạt động liên kết nhóm trong BV mà thời gian từ khi người bệnh đến cửa BV đến khi được can thiệp điều trị đặc hiệu cho đến nay đã được rút ngắn đáng kể chỉ mất khoảng 30 - 45 phút (theo tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ là dưới 1 giờ). 
Bên cạnh làm tốt liên kết nhóm trong BV, Trung tâm còn làm tốt liên kết nhóm ngoài BV với hầu hết là các BV ở các tỉnh, thành phía Bắc như: Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng, Bệnh viện Nam Định, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Ninh Bình, Viện Quân Y 354, Viện Quân Y 105, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Tim Hà Nội... qua các kênh thông tin khác nhau như thành lập nhóm zalo, viber... Nhờ liên kết nhóm chặt chẽ mà tỷ lệ các bệnh nhân đột quỵ cấp chuyển đến Bệnh viện trong khung giờ vàng ngày càng tăng. Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được điều trị tái thông ngày một gia tăng, năm 2014 khoảng 3-5%, năm 2019 đã đạt 19%. 
Nhờ làm tốt công tác tổ chức cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ cấp, ngày 24 tháng 6 năm 2019, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung và Trung tâm Đột quỵ não nói riêng đã vinh dự nhận được “Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng” trong cấp cứu, điều trị BN đột quỵ não của Hội đột quỵ Châu Âu, là đơn vị đầu tiên của miền Bắc và đơn vị thứ 3 trong cả nước được trao tặng chứng nhận này.
Với những kết quả đó, đã mang lại uy tín cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho Bệnh viện trong cứu chữa các bệnh nhân đột quỵ não.
TTĐQN đã cùng với Khoa Can thiệp mạch máu, Khoa Ngoại Thần kinh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật và hồi sức hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới, cứu sống nhiều BN nặng trong đó có cả các BN là cán bộ quan trọng của Đảng và Nhà nước, các BN là người nước ngoài như Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Lào…
Triển khai nhiều hoạt động giáo dục sức khỏe cho BN và người nhà BN, kết hợp với Khoa Phục hồi chức năng tiến hành phục hồi chức năng cho BN từ ngay giai đoạn cấp đã góp phần hạn chế biến chứng, tăng khả năng phục hồi chức năng cho BN đột quỵ.
Nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng, hiện tại Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu 1 đề tài cấp nhà nước “Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị BN đột quỵ não”, tham gia nhiều nghiên cứu đa trung tâm quốc tế, đề tài cấp cơ sở… Phát triển hợp tác quốc tế như hợp tác với chuyên gia Pháp trong hồi sức thần kinh, hợp tác chuyên gia Bệnh viện Trường đại học Kyushu Nhật Bản tổ chức hội thảo qua Telemidicine định kỳ 3 tháng 1 lần…
Các tổ chức quần chúng cũng được quan tâm phát triển, xây dựng đơn vị đoàn kết, chi bộ trong sạch vững mạnh.
Trung tâm cũng đã đạt được nhiều thành tích trong những năm vừa qua, bản thân Thượng tá Tuyến năm 2019 cũng được vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, được thăng quân hàm Thượng tá trước niên hạn.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến, để đạt được những thành tích trên, trước hết là do Trung tâm đã phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp của đơn vị như nền nếp làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học... trong nhiều năm qua; lắng nghe, tôn trọng những bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm vì chính họ là nòng cốt, đóng góp để xây dựng đơn vị phát triển.
Thứ hai, bên cạnh phát huy tốt vai trò của một bác sĩ phải làm tốt công tác chuyên môn, phát huy tốt vai trò của một sĩ quan chỉ huy, vận dụng những kiến thức về tổ chức, chỉ huy đã được huấn luyện đào tạo trong Quân đội để tổ chức, chỉ huy, điều hành đơn vị, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ của Bệnh viện và kỷ luật Quân đội.
Thứ ba, bản thân người chỉ huy phải gương mẫu, rèn luyện, tu dưỡng bản thân để trở thành nòng cốt trong việc duy trì tinh thần đoàn kết trong khoa, lớn hơn nữa là trong Bệnh viện và ngoài Bệnh viện./.
                                                                                                                               Lan Hoàng

 
Ý kiến của bạn