Nhận học viên vào học không thu phí, khi học có lương... Mô hình này đang phát huy hiệu quả ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa).
Xuất ngũ trở về quê, vợ chồng ông thương binh 1/4 Hoàng Tiến và Phan Thị Tân ở Đông Hòa, thị trấn Nông Cống từng làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Nhưng ở nơi đất đai bạc màu, ngập úng và thường xuyên mất mùa, gia đình ông xoay xở mãi mà không sao thoát ra khỏi cái nghèo.
Bà Phan Thị Tân - Phó Giám đốc Công ty Tân Tiến đang hướng dẫn học viên vận hành máy.
Cùng Hội ND dạy nghề
Ông Tiến bảo công ty, cơ ngơi của gia đình ông hiện nay đi lên từ một quán sửa chữa xe đạp. Sửa chữa xe cũng có lúc phải hàn xì, thay cái này cái kia, năm 1993 ông dành dụm mua một máy hàn xì, vừa phục vụ sửa chữa xe, vừa cọc cạch học làm khung cửa sắt.
"Lúc đầu chưa có vốn tôi chỉ mua ít thép vuông về làm những khung cửa sắt đơn giản cho người quen, thấy mình làm cẩn thận, cửa chắc chắn người này mách người kia, đơn đặt hàng càng nhiều, một mình làm không xuể tôi phải mua thêm máy móc, mở xưởng, rồi dạy nghề cho con em các thương binh trong xã để cùng làm với mình"- ông Tiến tâm sự.
Năm 2008, gia đình ông thành lập Công ty Tân Tiến, chuyên cơ khí, xây dựng. Để có công nhân, ông đã phối hợp với Hội ND, Hội CCB huyện để tuyển con em ở địa phương chưa có việc làm vào học. "Mỗi khóa 10 học viên, học trong 3 tháng, sau khi thạo nghề có cháu ở lại làm với tôi, cháu tôi giới thiệu vào làm tại các xưởng cơ khí lân cận" - ông Tiến cho hay.
Thoát nghèo nhờ có nghề
Ông Trần Văn Thuấn - Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: "Đến nay huyện có 19/33 xã có làng nghề, bao gồm cả nghề mới và nghề truyền thống và đang tạo việc làm cho khoảng 6.500 lao động, với thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều xã nhờ được học nghề mà đời sống người dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo. Trong thành công này, có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn".
Tính đến nay Công ty Tân Tiến đã dạy nghề cho khoảng 100 lao động nông thôn; đang tạo việc làm cho 40 lao động, với thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn hơn chục học viên sau khi lành nghề đã tách ra mở xưởng riêng, có thu nhập ổn định từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng.
Gia đình anh Lê Văn Hà ở thị trấn Nông Cống chỉ có 3 sào ruộng, trước kia khi thu hoạch xong anh phải lên tỉnh xin việc, khi đi phụ vữa, khi đi bốc hàng thuê. Năm 2008 anh được bà Tân nhận vào học nghề cơ khí, sau 3 tháng anh đã được nhận ở lại làm tại công ty. Nhờ ham học hỏi, sáng dạ anh đã trở thành thợ cứng. "Trừ tiền ăn, mỗi tháng tôi dư khoảng 4 triệu đồng. Đầu năm 2011, tôi đã sửa lại cái nhà, mua chiếc xe máy cho vợ đi làm, không kể tiền nuôi các cháu ăn học" - anh Hà tâm sự.
Cũng thuộc diện hộ nghèo không có công ăn việc làm, nhờ xã giới thiệu, anh Nguyễn Văn Tuấn xã Tế Thắng được nhận vào học nghề cơ khí tại Công ty Tân Tiến. Dừng tay hàn anh Tuấn phấn khởi nói: "Nghề cơ khí hiện nay đang rất phát triển, vì nhu cầu xây dựng ngày càng cao. Cái hay nữa là sau khi học nghề, nếu người nào có vốn có thể tách ra làm riêng, thu nhập vừa cao vừa có thể dạy nghề cho người khác".
Không chỉ anh Hà, anh Tuấn mà đã có hàng chục người có công việc ổn định và thoát nghèo nhờ được học nghề như anh Bình, anh Hưng xã Tân Khang, anh Toàn, anh Dũng ở xã Tế Lợi…