Mở đường cho nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên

 391 lượt xem
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao giữa lúc người nông dân đang phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nông dân và đưa nông sản Việt Nam trở thành mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất của doanh nhân Nguyễn Hồng Phong 
Năm 1990, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Phong bắt tay vào khởi nghiệp từ diện tích 4.000 m2 đất ở thôn Lạc Lâm thuộc xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, với số vốn ít ỏi 700.000 đồng của gia đình lúc đó. Từ trồng cà phê là cây lâu năm, xen canh rau, đậu, bắp để hạn chế cỏ mọc và kiếm thêm thu nhập, anh Phong sớm nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất thích hợp để phát triển cây rau ngắn ngày nên đã lựa chọn trồng thử nghiệm một số loại rau. Mô hình trồng rau của gia đình anh cho hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm của nhiều hộ dân kinh tế mới và bà con dân tộc Tây Nguyên. Bằng kinh nghiệm sẵn có, anh đã gieo ươm cây rau giống, cung cấp cho bà con; đồng thời sẵn lòng hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác tốt nhất. Nhờ đó, từ năm 1995, gia đình anh đã xây dựng thêm được mô hình vườn ươm cây trồng có diện tích lên tới 3.000 m2, chuyên cung cấp cây giống rau, củ, quả cho bà con nông dân ở xã Phú Hội, thị trấn Liên Nghĩa và vùng lân cận. Từ năm 2000, gia đình anh đã đạt được quy mô trang trại với tổng diện tích là 6 ha rồi sau này mở rộng ra là 16 ha…
Với định hướng phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng rau của gia đình anh Phong và nhiều bà con nông dân huyện Đức Trọng ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, diện tích càng lớn, đồng nghĩa với sản lượng rau tăng theo, khi đó vấn đề đầu ra gặp nhiều rắc rối về tiêu thụ và giá cả, cộng với sự cạnh tranh trên sân nhà với các nước lân cận và trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… gây nhiều thiệt thòi cho người nông dân.
Để có thể giúp đỡ bà con, cũng là giúp chính bản thân mình tìm được lời giải đáp cho “bài toán” từ thuở ấu thơ, anh Phong dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận công nghệ của thế giới; quan sát, nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ; cùng các nông hộ liên kết đi tham quan, học hỏi ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia; hay các nước tiên tiến như Úc, Nhật Bản, châu Âu về những công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại áp dụng vào sản xuất tại đơn vị mình…
Thông qua những chuyến đi đó, anh đã chọn được hướng đi mới - Đó là sản xuất sản phẩm an toàn theo chuẩn VietGAP chất lượng cao và quan tâm đến quy trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để gia tăng giá trị. Đồng thời phải tổ chức sản xuất khép kín, hạn chế trung gian để tiết kiệm chi phí, hao hụt; cùng với đó là phải hợp tác, liên kết sản xuất để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm….
Từ đầu tư mở rộng diện tích canh tác của gia đình, anh cũng đầu tư xây dựng quy mô nhà xưởng sơ chế và mua sắm các máy móc thiết bị, hệ thống nhà kính, xe chuyên dùng, kỹ năng quản lý… Đến năm 2013 thì chính thức thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại Nông sản Phong Thúy. Anh cũng bắt đầu tìm kiếm được các hợp đồng xuất khẩu rau đi Malaysia, Nhật Bản, Đức và nhiều nước trong khu vực ASEAN. Do đó, anh vận động liên kết sản xuất với các nông dân quanh vùng. Để đảm bảo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, Công ty Phong Thúy tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, quản lý từ cây giống, gieo ươm, xây dựng quy trình sản xuất, canh tác, thu hoạch, sơ chế và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, những hộ dân liên kết cùng Phong Thúy cũng được tạo điều kiện luân phiên đi học cách sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia phát triển cũng như thường xuyên được các chuyên gia Hà Lan, Nhật Bản tập huấn về các vấn đề liên quan đến rau.
Đến nay, Phong Thúy có tới 130 ha rau, quả các loại được chứng nhận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để cung ứng cho các thị trường nước ngoài và siêu thị trong nước. Trong đó, có 75 ha của công ty được hỗ trợ chứng nhận và các hộ liên kết tự chứng nhận 55 ha; diện tích kho xưởng và sản xuất, sơ chế lên tới 6000 m2 cùng 11 ô tô được sử dụng trong chuyên chở sản phẩm. Ngoài ra trang trại nuôi bò thịt với bình quân trên 100 con.
Đặc biệt, từ năm 2016, Phong Thúy đã đi sâu vào khâu xử lý thực phẩm sau thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng và tăng giá trị sản phẩm. Theo đó, công ty đã được tiếp nhận và vận hành máy xử lý củ, quả sau thu hoạch theo công nghệ Nhật Bản. Đây là loại máy có chức năng rửa tiết kiệm nước, thổi khô và làm bóng củ, quả, có công suất từ 2,5 – 3 tấn /giờ. Đồng thời, công ty cũng nhanh chóng ứng dụng công nghệ đóng gói với màng tự động, túi lưới nhằm tạo ra những sản phẩm có mẫu mã đẹp mắt, chất lượng cao.
Từ những bước đi đột phá trong công nghệ đó, giá trị các mặt hàng của Phong Thúy ngày một gia tăng, doanh số bán hàng tăng tới 20%/năm, tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong việc xây dựng các kho chế biến, bảo quản nông sản nhằm hạn chế tối đa những thất thoát do rau, củ hỏng trong quá trình đem bán.
Hiện nay, công ty Phong Thúy do anh Phong làm chủ đã là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường với 15% sản phẩm của Đà Lạt được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, 70% xuất hiện trên các kệ hàng của những siêu thị lớn như: VinMart, Mega, Coopmart, Lottemart,… số còn lại được tiêu thụ ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của công ty liên tục tăng qua các năm, chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt 144 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm và đảm bảo chế độ chính sách, bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động cho 150 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.  
Sau hơn 20 năm có mặt trên thị trường, doanh nghiệp Phong Thúy và cá nhân anh Nguyễn Hồng Phong đã vinh dự được đón các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn trong, ngoài nước đến thăm quan mô hình; được tặng nhiều hình thức khen thưởng, giải thưởng, chứng nhận, danh hiệu. Thế nhưng, món quà lớn nhất mà “người nông dân có hoài bão lớn” này nhận được chính là góp phần làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu trên chính ruộng, vườn của mình và tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch mỗi ngày theo tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong khẳng định, người làm nông nghiệp hôm nay cần tư duy về sự gia tăng giá trị nông sản, góp phần tạo ra sự ổn định khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ (oganic) của đất nước./.
                                                                                                                                                                                Hoàng Mai

 
Ý kiến của bạn