BTĐKT - Với tấm lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng trong công tác công đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, chị Phan Thị Thu Hằng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên, TP Hà Nội vừa vinh dự được tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ II năm 2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Bắt đầu từ tháng 7/2016, chị Hằng chính thức nhận nhiệm vụ là Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên, chịu trách nhiệm quản lý gần 300 công đoàn cơ sở với trên 12 ngàn đoàn viên. Đó là một trọng trách không hề nhẹ đặt trên đôi vai người phụ nữ ấy, khiến chị không ngừng trăn trở, tìm kiếm những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhất nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích thích đáng cho người lao động.
Trước những băn khoăn của nhiều đoàn viên công đoàn rằng : “Là đoàn viên công đoàn khác với người lao động chưa phải đoàn viên ở chỗ nào? Đoàn viên thì phải đóng phí công đoàn, vậy họ được lợi gì hơn so với những người chưa phải đoàn viên?”…vị thủ lĩnh Công đoàn quận Long Biên nghĩ rằng cần phải có những “biện pháp so sánh” cụ thể trong các hoạt động. Và sau 1 năm ấp ủ, mô hình “Thẻ ưu đãi cho đoàn viên công đoàn Long Biên” đã ra đời, trở thành một trong những câu trả lời thuyết phục nhất cho những băn khoăn của nhiều đoàn viên công đoàn lúc bấy giờ.
Chị Phan Thị Thu Hằng (thứ 6 từ trái sang) là 1 trong 10 cá nhân vinh dự được tặng giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ II năm 2020
Với chiếc thẻ này, mỗi đoàn viên được giảm giá từ 5-30% khi sử dụng những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như: sản phẩm lương thực, thực phẩm sạch; hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh; dịch vụ đi lại, khám, chữa bệnh, may mặc, xăng dầu... Ngày 19/5/2018, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã phát hành 1.000 thẻ ưu đãi đoàn viên Công đoàn đầu tiên, trở thành đơn vị đi đầu trong toàn Thành phố và cả nước về phát hành thẻ ưu đãi cho đoàn viên. Đến nay, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã ký kết được với 21 đơn vị doanh nghiệp tài trợ giảm giá cho đoàn viên công đoàn và có gần 11 nghìn lượt đoàn viên công đoàn sử dụng thẻ ưu đãi đoàn viên để mua sắm.
Bên cạnh đó, để chăm lo tốt hơn đời sống cho đoàn viên và người lao động, hàng năm, nữ chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên chỉ đạo duy trì và phát huy tốt chương trình “Chuyến xe ô tô miễn phí đưa CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”. Từ tổ chức 10 chuyến xe đưa hơn 300 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết năm 2016; đến năm 2017, 2018, LĐLĐ quận đã tổ chức thêm nhiều chuyến xe và mở rộng thêm cả đối tượng là người lao động khó khăn ở các đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn.
Điều đáng nói là, chương trình chuyến xe đưa công nhân về quê ăn Tết ý nghĩa này đã được nhân rộng triển khai ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận như: Tổng Công ty may 10 Công ty cổ phần, Công ty TNHH thương mại Việt Tuấn… Qua đó, Liên đoàn Lao động quận trở nên gắn bó với công đoàn cơ sở và CNVCLĐ, đồng thời để công đoàn cơ sở hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn, uy tín của Liên đoàn Lao động quận được nâng cao.
Đặc biệt, với phương châm “Vì lợi ích của đoàn viên, hướng hoạt động về cơ sở”, Chị đã cùng cán bộ cơ quan LĐLĐ quận Long Biên năng nổ, chủ động đến gặp gỡ, kiên trì vận động, thuyết phục nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận quan tâm đến người lao động; tham gia ký kết các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT).
Đến nay đã có trên 80% doanh nghiệp trên địa bàn quận ký kết được TƯLĐTT. Chất lượng TƯLĐTT ngày càng có nhiều điều, khoản có lợi cho người lao động. Trong đó, Liên đoàn Lao động quận đã đại diện cho người lao động của 10 doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn tiến hành thương lượng, ký TƯLĐTT với chủ doanh nghiệp (Công ty Hợp Lực, Công ty Tam Quy, Công ty Hồng Đô, Công ty In Minh Long, Công ty CEC, Công ty Việt Hàn…).
“Có được những kết quả này là nhờ sự thay đổi về nhận thức cũng như quyết tâm của nhiều doanh nghiệp và các tầng lớp người lao động; đặc biệt là sự tận tâm và nhiệt huyết của những người cán bộ công đoàn. Mỗi cán bộ công đoàn phải tự đổi mới về cả nhận thức lẫn hành động; phải năng động hơn, sáng tạo hơn, gần gũi với người lao động hơn” - chị Phan Thị Thu Hằng khẳng định.
Chị Hằng tâm sự: “Công việc của cán bộ công đoàn là phải hướng các hoạt động về người lao động, lấy người lao động làm trung tâm; phải bám sát cơ sở để nắm tình hình, nhanh chóng phát hiện những vướng mắc và kịp thời có phương án giải quyết ổn thỏa; tăng cường công tác giám sát, tối kỵ việc quan liêu, lơ là, làm việc theo lối chỉ tay 5 ngón.
Bảo vệ người lao động, nhưng cán bộ công đoàn cũng cần quan tâm nhiều tới doanh nghiệp; phải gỡ khó cùng doanh nghiệp; bằng sự hoạt động hiệu quả của tổ chức công đoàn, chứng minh cho họ thấy công đoàn có vai trò tích cực trong ổn định quan hệ lao động, tạo ra động lực trong lao động, sản xuất, củng cố, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…”
Chị bảo, người cán bộ công đoàn còn phải là chiếc cầu nối giữa những người lao động và doanh nghiệp với Đảng và Nhà nước. Bởi mọi chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước phải dựa trên thực tiễn hơi thở cuộc sống của từng cán bộ đoàn viên công đoàn, người lao động.
Thấy chị luôn miệt mài, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, nhiều người hỏi rằng, liệu có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi vì quá sức? Người phụ nữ ấy cười bảo rằng: Năm nay tròn 30 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi luôn khắc cốt, ghi tâm từng lời Bác Hồ dạy, nguyện là người con hiếu thảo của Tổ quốc.
Ngọc Anh