Phú Yên hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới

 392 lượt xem
BTĐKT – Bằng sự chủ động, sáng tạo, gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; lấy xây dựng nông thôn mới làm trung tâm, đồng thời lồng ghép nhiều chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, bám sát với các tiêu chí của chương trình NTM,… tỉnh Phú Yên đã gặt hái nhiều trái ngọt sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. 

Từ ban hành bài bản những chính sách phù hợp
Phú Yên là tỉnh có nguồn thu ngân sách còn khó khăn, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới năm 2010 tại các xã còn rất thấp thấp với bình quân đạt dưới 5 tiêu chí/xã. Để có sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo tỉnh ngay sau khi Trung ương ban hành các văn bản quy định việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Yên kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương với một số chính sách tiêu biểu.
Đầu tiên, tỉnh Phú Yên tập trung cải thiện, nâng cao nguồn nhân lực ở cấp cơ sở, với việc thực hiện chính sách giải quyết cơ bản đầu ra cho cán bộ, công chức cấp xã đã lớn tuổi, không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã góp phần lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Chính sách thu hút, sử dụng trí thức trẻ về công tác ở cấp xã, đến năm 2013 đã thu hút 266 trí thức trẻ công tác ở cấp xã, trong đó bổ nhiệm và bầu 25 trí thức trẻ giữ chức Phó Chủ tịch xã; 100 kỹ sư nông nghiệp, cử nhân kinh tế về làm cán bộ xã để tham gia quản lý hợp tác xã.
Cùng với đó, tỉnh xác định đột phá trong phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn, bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013 - 2015. Cấp tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, ống cống sử dụng vào công trình và chi phí vận chuyển xi măng, ống cống đến xã; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác quản lý 02 triệu đồng/km; bổ sung cho các xã thuộc các khu vực I, II, II; cấp huyện hỗ trợ không quá 15% giá trị thực công trình; cấp xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, còn lại nhân dân đóng góp công lao động, hiến đất, tiền mặt…
 
Mô hình nuôi hải sản
Tỉnh cũng ban hành thiết kế mẫu, cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình về giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa và khu thể thao xã/ thôn nhằm tạo sự chủ động cho địa phương và người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tiết kiệm được chi phí đầu tư, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và huy động tối đa nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới trong khi ngân sách các cấp còn rất khó khăn.
Ngoài ra, Phú Yên ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020; hỗ trợ cho các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã, giai đoạn 2016 - 2020. Quy định mức hỗ trợ công trình phúc lợi cho các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020; Quy định chính sách hỗ trợ các thôn, buôn hoàn thành Chương trình 135 ở các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao không thuộc diện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020. Quy định tỷ lệ phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn xã cho ngân sách xã sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng, trong đó bao gồm cả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020.
Nhờ đó, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, kết quả tích cực, là nền tảng vững chắc hướng tới nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc.
Đến đăng ký thi đua đạt chuẩn NTM và xây dựng các mô hình điểm
Theo thời gian, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới dần đi vào ổn định, thuận lợi. Tỉnh Phú Yên tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho các xã, huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch hàng năm. Khuyến khích các xã vận dụng cơ chế đầu tư đặc thù để thi công các công trình hạ tầng, tăng cường công tác giám sát cộng đồng để giảm chi phí đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Tích cực thực hiện các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; vận động hỗ trợ góp kinh phí xóa nhà tạm bợ cho người nghèo, các gia đình chính sách; hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, vận động đổi mới các hoạt động phát triển sản xuất, làng nghề và dịch vụ nông thôn...tổng huy động trong 10 năm qua trong cộng đồng khoảng 7.397.988 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp khoảng 1.385.784 triệu đồng. 
Sản xuất nông nghiệp tập trung phát triển với 130 hợp tác xã, trong đó 93 hợp tác xã nông nghiệp, 01 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động với gần 106 nghìn thành viên, trong đó số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tỷ lệ đạt gần 54%. Tổng nguồn vốn hoạt động 342,316 tỷ đồng, lãi bình quân của hợp tác xã đạt 145 triệu đồng/HTX/năm. Từ đó xuất hiện các mô hình điển hình, đó là mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm sản xuất rượu tằm; mô hình sản xuất muối trải bạc; mô hình sản xuất rau củ quả an toàn, đặc biệt có hợp tác xã chuyên trồng dâu tây và rau thủy canh đã được các siêu thị, nhà hàng lớn trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; đồng thời phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, giữ vững và phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm lấy tơ, chế biến rượu tằm, làng nghề bó chổi đót, bánh tráng Hòa Đa, muối Tuyết Diêm,...

 
Mô hình sản xuất rau sạch
Cũng nhờ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình ở nông thôn ngày càng khởi sắc với 184 trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tổng số gần 5.400 lao động; tổng diện tích đất sử dụng 2.987ha. Tổng giá trị sản phẩm thu của các trang trại đạt 410 tỷ đồng, bình quân hơn 2,23 tỷ đồng/trang trại. Các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp nhiều hội viên, nông dân mạnh dạn đổi mới phương thức kinh doanh, tập quán canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, Phú Yên có 53/88 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 60,2%. Mới đây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên vừa được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 65% số xã toàn tỉnh); hoàn thành ít nhất 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất từ 1-2 khu dân cư, vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
Điều đáng ghi nhận ở tỉnh Phú Yên trong phong trào xây dựng NTM đó là, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, tỉnh Phú Yên đã làm tốt công tác chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình từng năm, theo kế hoạch cụ thể ở từng xã nhưng phải đảm bảo nguồn lực thực hiện,  không xảy ra phát sinh nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới và đảm bảo không phát sinh nợ mới trong thời gian tới. 
Để có được điều này, công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng đối với sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và mang lại lợi ích to lớn là củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc sử dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động các nguồn đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, giám sát việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt đã bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị để tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ về xây dựng nông thôn mới, hướng tới nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất, gắn phát triển nông nghiệp bền vững với phát triển công nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp, gắn bó hài hòa với đô thị, giữ bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp trong bối cảnh hội nhập và phát triển./.
                                                                                                                                 Ngọc Anh

 
Ý kiến của bạn