Hơn hai năm qua với sự chỉ đạo tập trung, tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội đã đạt được một số kết quả và đúc kết nhiều kinh nghiệm tạo ra bước ngoặt mới làm chuyển biến phong trào xây dựng NTM. Nhiệm vụ năm 2012 Hà Nội đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành quy hoạch NTM 100% xã (401 xã) đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao từ thành phố đến các huyện, thị xã và các xã
Khởi sắc
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội Trần Xuân Việt, kết quả triển khai NTM ở 19 xã khá thành công, tạo ra hình hài NTM rõ nét làm đổi thay bộ mặt nông thôn. Đây thực sự là cuộc vận động lớn tạo sự chuyển biến sâu sắc về bản chất được các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư hưởng ứng vào cuộc, tạo tiền đề tốt cho bước triển khai mở rộng xây dựng NTM ra các địa phương. Là công việc mới, khó nhưng 19 xã điểm đã vượt qua những trở ngại lớn về vốn, cơ chế hoàn thành cơ bản yêu cầu về tiến độ, kết quả.
Thi công cải tạo hệ thống mương thoát nước tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).
Xã Thụy Hương (Chương Mỹ) làm điểm của trung ương đạt 18/19 tiêu chí, xã Song Phượng (Đan Phượng) đạt 16/19 tiêu chí; xã Mai Đình (Sóc Sơn) đạt 13/19 tiêu chí; xã Đại Áng (Thanh Trì) đạt 12/19 tiêu chí. Đối với 15 xã điểm còn lại đều đạt từ 9 đến13 tiêu chí là khẳng định sự thành công mặc dù nhiệm vụ rất khó và nặng nề. Điều quan trọng hơn là chủ trương xây dựng NTM đã được đẩy lên thành phong trào, nâng cao nhận thức của nhân dân, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, nhiều HTX đã chuyển đổi làm tốt khâu dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư bài bản, hiệu quả phục vụ tốt sản xuất và an sinh xã hội.
Trong xây dựng NTM nhiều địa phương đã sáng tạo trong cách làm cũng như sự điều chỉnh kịp thời trong thực hiện theo hướng hiệu quả, bền vững được tổng kết thành kinh nghiệm để phổ biến rộng cho các địa phương áp dụng. Mô hình huyện Sóc Sơn chọn việc khó nhất là dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tạo đột phá, đã DĐĐT được 40% diện tích (4.000ha) các hộ chỉ nhận 1-2 thửa lớn được người dân đồng tình hưởng ứng. Một số huyện làm tốt và nhanh công tác quy hoạch xã NTM như Mê Linh đã cơ bản hoàn thành, các huyện Đan Phượng, Từ Liêm đã cơ bản xong quy hoạch. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng NTM đã huy động được nhiều doanh nghiệp, đơn vị hưởng ứng ủng hộ đợt đầu quỹ NTM của TP 213 tỷ đồng, ủng hộ quỹ các huyện trên 100 tỷ đồng.
Năm quy hoạch các xã xây dựng NTM
Nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2012 đối với Hà Nội được xác định là năm bản lề với nội dung khá nặng nề phải hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch của 100% số xã (401 xã) xây dựng NTM: Phê duyệt đề án xây dựng NTM của 19 huyện, lập và phê duyệt đề án NTM cho 100% số xã. Ban chỉ đạo thành phố và các huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc để hết năm 2012 19 xã điểm phải cơ bản hoàn thành các tiêu chí đề ra. Để thực hiện mục tiêu này Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ngành tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện ngay các chương trình đề án phát triển sản xuất đó là: Đề án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản, phát triển hoa, cây cảnh giá trị kinh tế cao, đề án cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển vùng chè chất lượng cao và đề án củng cố nâng cao chất lượng HTX. Thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT lập, phê duyệt và triển khai các dự án như: xây dựng Trung tâm Khảo nghiệm và nhân giống cây trồng, xây dựng Trung tâm Giống thủy sản cấp 1, đầu tư xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao Hà Nội, dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ xây dựng NTM và dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao. Tổng kinh phí thành phố dự kiến hỗ trợ NTM năm 2012 khoảng 1.022.966,95 triệu đồng.
Để đẩy nhanh công tác quy hoạch, thành phố hỗ trợ cho mỗi xã quy hoạch NTM 250 triệu đồng, hỗ trợ xã lập đề án 150 triệu đồng/xã. Hà Nội xác định lấy quy hoạch làm tiền đề, tạo đà cho triển khai các tiêu chí tiếp theo. Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban NTM Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, Ban Chỉ đạo NTM TP Hà Nội yêu cầu tất cả các xã rà soát lại khâu quy hoạch, bổ sung thêm cho phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch ngành, tránh làm cho xong kiểu sao chép, phôtô xã này cho xã khác. Quy hoạch phải đi trước một bước đồng thời phải để dân tham gia bàn bạc, thống nhất trước khi thuê tư vấn giúp xã hoàn tất thủ tục trình phê duyệt. Khắc phục tình trạng có xã dựa cả vào đơn vị tư vấn, các nhà thầu và sự hỗ trợ của các cơ quan cấp huyện, không tranh thủ được sự bàn bạc góp ý của người dân nên việc thực hiện gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Cùng với quy hoạch cần xác định khâu DĐĐT làm mấu chốt tạo ra bước đột phá mới để xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2012 đang rất khẩn trương nên Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp chính như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng, sâu rộng, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về xây dựng NTM, thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ NTM; huy động tổng hợp các nguồn lực và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng NTM.