Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua hiện nay

 8830 lượt xem
Hoạt động tổ chức phong trào thi đua hiện nay được triển khai với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, một trong những hình thức phổ biến hiện nay là tổ chức thi đua theo cụm, khối. Tùy đặc điểm, tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị mà mỗi nơi có cách phân chia cụm, khối thi đua khác nhau. 

Thông qua hoạt động tổ chức thi đua theo cụm, khối, các đơn vị, địa phương cùng nhau thảo luận thống nhất, tổ chức đăng ký, ký kết thực hiện giao ước thi đua trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, địa phương với những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tạo điều kiện trao đổi, phổ biến, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển; các nhân tố mới trong các phong trào thi đua được tôn vinh, phát huy tác dụng nêu gương, học tập trong cuộc sống thông qua việc tổ chức kiểm tra, tham quan học tập mô hình, điển hình tiên tiến của các đơn vị, địa phương. Việc đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng bảo đảm được tính công khai, dân chủ, đúng thành tích, nhờ vậy đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch của ngành, địa phương.

Việc tổ chức thi đua theo cụm, khối đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua từ trung ương đến địa phương. Đây cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân tham gia tạo nên động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
 
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thi đua theo cụm, khối, cũng còn một số bất cập, đó là:
 
- Việc tổ chức, sắp xếp, phân chia các đơn vị tham gia vào cụm, khối thi đua ở một số địa phương chưa phù hợp còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm thi đua trong cụm, khối không thống nhất, gây khó khăn khi đánh giá, bình xét, chấm điểm giữa các đơn vị.
 
- Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, hướng dẫn, thống nhất xây dựng tiêu chí chung trên cơ sở đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ cụ thể để các đơn vị, địa phương cụ thể hóa tổ chức xây dựng tiêu chí thi đua, cách bình xét, chấm điểm suy tôn phù hợp với từng ngành, địa phương, đơn vị, dẫn đến chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu do việc xây dựng các tiêu chí thi đua còn chung chung, chưa thể hiện những chỉ tiêu đăng ký cụ thể, những con số thực hiện cụ thể, chưa bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từng ngành, từng địa phương nên khi bình xét đánh giá mang tính chất chiếu lệ, hình thức, các chỉ tiêu đánh giá còn mang tính định tính nhiều hơn định lượng. Thực tế việc xét, suy tôn đề nghị tặng cờ thi đua ở một số cụm, khối thi đua mang tính chất luân phiên và trở thành “Cờ luân lưu” giữa các đơn vị, địa phương trong cụm, khối thi đua, do tập thể đề nghị khen thưởng chưa thật sự tiêu biểu nên ít có sức lan tỏa để nêu gương, học tập.
 
- Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở số địa phương, đơn vị chưa phát huy hết vai trò trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm, khối thi đua. Các thành viên hội đồng thi đua, khen thưởng chưa thường xuyên quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động cụm, khối thi đua mà giao quyền này cho trưởng, phó cụm, khối thi đua thực hiện. Chính vì vậy khi tổng kết và bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu để đề nghị tặng Cờ thi đua, có tập thể chưa mang tính tiêu biểu do có sự nể nang, nhường nhịn nhau nên khi trình cấp có thẩm quyền không được xem xét, xét tặng.
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua tại các cấp, các ngành, địa phương, trước hết:
 
- Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, sắp xếp các đơn vị tham gia cụm, khối phải đảm bảo tính tương đối về đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng vùng, địa phương, ngành để khi tổ chức thi đua giữa các đơn vị có điều kiện để học tập trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau lẫn nhau cùng phát triển.
 
- Cần có sự thống nhất trong việc xây dựng nội dung, mục tiêu thi đua rõ ràng, tiêu chí cụ thể, cách chấm điểm, bình xét trong từng đơn vị cụm, khối làm cơ sở để các đơn vị dễ dàng so sánh, đánh giá mức độ thành tích, bình xét, xếp hạng thi đua đảm bảo theo quy định. Khi tiến hành đánh giá, nhận xét, suy tôn đề nghị khen thưởng giữa các đơn vị trong cụm, khối phải thực sự mang tính khách quan, tránh hình thức, nể nang.
 
- Hàng năm trên cơ sở kế hoạch hoạt động của hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp, cần xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát và phân công từng thành viên hội đồng thi đua, khen thưởng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của cụm, khối thi đua theo kế hoạch. Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra để rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, làm cho các phong trào thi yêu nước ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
 
 
Ý kiến của bạn