Nuôi chồn giỏi nhờ... đọc báo

 8774 lượt xem
Tình cờ đọc được thông tin trên báo thấy chồn dễ nuôi, sinh sản nhanh, giá trị kinh tế cao lại sẵn nguồn thức ăn, đầu năm 2008, chị Bùi Thị Thắm đã sang tận Trung Quốc mua 100 đôi chồn nhung đen giống về nuôi. 

Đến nay, chị Bùi Thị Thắm (43 tuổi), dân tộc Mường ở thôn Trung Tâm, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã có 300 đôi chồn sau 2 năm nhân giống. Chị Thắm phấn khởi cho biết: “Chồn nhung đen sinh sản rất nhanh, hơn 2 tháng một lứa, trung bình 2 con/lứa, nhiều con đẻ đến 4 – 5 con/lứa... nên có thời điểm trong chuồng có tới 30 con non ra đời”.

 
Mỗi năm chị Bùi Thị Thắm lãi 100 triệu đồng từ nuôi chồn nhung đen.
 
Theo chị Thắm, nuôi chồn nhung đen rất dễ, thức ăn của chúng là cỏ, cây ngô, cây lạc, chuối, các loại quả... nên chi phí rất thấp. Chuồng có thể xây bằng gạch hoặc làm bằng gỗ, tre, cao chừng 50cm, rộng 70cm, còn chiều dài tùy theo diện tích và số lượng chồn. 1m2 có thể nuôi được 8 con.
 
“Chồn chỉ nuôi khoảng 6 tháng là sinh sản, hiện chồn giống giá từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/đôi và khoảng 350.000 đồng/kg chồn thịt. Chồn dường như không có bệnh, lại nhanh lớn nên thu hồi vốn rất nhanh. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng. Thú thực lúc đầu nuôi tôi cũng lo đầu ra, nhưng giờ thì không đủ chồn để bán” - chị Thắm cho hay.
 
Ngoài trang trại nuôi chồn, gia đình chị còn canh tác hơn 2ha đất bãi trồng mía đường và 1ha đất luồng, keo… Riêng mía đường, trừ chi phí lãi mỗi năm khoảng 150 triệu đồng cùng khoảng 30 triệu đồng từ rừng luồng, keo. “Trồng mía bây giờ cũng nhàn rồi, hầu hết máy làm, còn mình chịu khó chăm bón, phun thuốc rệp, tưới nước đều đặn là có ăn ngay. Cũng nhờ làm mía mà tôi đỡ được khoản mua thức ăn cho chồn”- chị Thắm tâm sự.
 
Đầu năm 2010, gia đình chị cất một ngôi nhà tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Thắm còn sẵn sàng giúp các hội viên ND trong thôn vốn để phát triển kinh tế và động viên các hộ mạnh dạn nuôi chồn: “Tôi sẵn sàng tư vấn kỹ thuật và cho các hộ khó khăn “ứng” trước 2 - 3 đôi chồn để làm vốn, khi nào chồn đẻ có lãi thì hoàn lại sau”.
 
 
Ý kiến của bạn