Chợ Mới đột phá trong sản xuất nông nghiệp

 8655 lượt xem
Bằng sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của các cấp chính quyền, trong năm qua huyện Chợ Mới đã có sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ áp dụng có hiệu quả mô hình sạ hàng tại xã Quảng Chu mà còn thực hiện thành công mô hình lúa thuần năng suất cao. Điều này đã góp phần vào việc chuyển đổi cây trồng, ổn định an ninh lương thực trên địa bàn. 

 

Tổng sản lượng lương thực cả năm của huyện tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, điều đó cho thấy cơ cấu nông nghiệp của huyện chuyển dịch tích cực theo từng năm.

Đầu tiên phải kể tới mô hình lúa thuần năng suất cao 60 tạ/ha với giống lúa Khang Dân 18 lần đầu tiên được đưa vào trồng trên phạm vi rộng tại xã Quảng Chu với diện tích lên tới 217 ha, thu hút 618 hộ thuộc 13 thôn, bản tham gia. Đây là một trong những chủ trương lớn của UBND tỉnh Bắc Kạn, chỉ đạo thực hiện tại vụ mùa năm 2011. 

Do phạm vi triển khai tương đối lớn nên có thể coi đây là một thách thức không nhỏ đối cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến xã, đặc biệt là phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Tuy nhiên sau khi triển khai trong vụ mùa, mô hình đã mang lại thành công ngoài mong đợi, năng suất đạt 61,7 tạ/ha, nếu hạch toán kinh tế cho 1.000 m2  giống lúa thuần, trừ chi phí 2.138.000 đồng, tổng thu về là 4.319.000 đồng, còn lại là phần lãi. 
 
Giống lúa thuần Khang Dân 18 có ưu điểm khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh như chống đổ, chịu hạn, kháng sâu bệnh, thích hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số nông dân, yêu cầu kỹ thuật đơn giản, không quá khắt khe, mức đầu tư không cao nhưng vẫn cho năng suất cao. Mô hình lúa thuần năng suất cao còn được triển khai trong vụ mùa tại xã Nông Thịnh, năng suất đạt tới 65 tạ/ha. Đối với mô hình sạ hàng triển khai trên diện tích 8 ha tại xã Quảng Chu, năng suất đạt 54tạ/ha, đây cũng là một trong những mô hình lần đầu tiên áp dụng  trên địa bàn. Kết quả mô hình đã mang lại những lợi ích như năng suất khá hơn so với cấy thường, tiết kiệm công lao động, chi phí, đặc biệt hiệu quả xã hội là làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, xóa bỏ kiểu canh tác lạc hậu đến hướng đến sản xuất tiên tiến.
 
Có thể nói đây chính là một trong những bước tiến với hoạt động sản xuất nông nghiệp mà huyện Chợ Mới đã đạt được thời gian qua, việc đưa vào ứng dụng những mô hình như vậy là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lý đối với một huyện chuyên về thuần nông như Chợ Mới. Điều này sẽ cải thiện đáng kể về tình hình an ninh lương thực trên địa bàn, bởi từ trước đến nay, ở hầu hết các thời vụ, đặc biệt là vụ mùa, bà con vẫn có thói quyen sử dụng giống lúa thuần mà chưa tự bảo quản và sản xuất ra đại trà vì vậy việc phải tự bỏ tiền ra mua giống lúa với giá cao cũng là chuyện đương nhiên.
 
Sau hơn 10 năm triển khai các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, trình độ thâm canh của đại đa số người dân đã được nâng lên. Điển hình như năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 20.735 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2010 là 1,7%. Người nông dân đã có thể làm chủ ruộng đồng, tự cung, tự cấp lương thực và phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tuy chưa thực sự truyền thống nhưng cũng là tín hiệu đầy khả quan.
 
Có được những kết quả như trên là nhờ vào sự điều hành của cấp chính quyền huyện, Ban chỉ đạo thực hiện mô hình, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã  tiếp nhận mô hình đã sát sao, nắm bắt tình hình tiến độ từ lúc triển khai cho đến khi kết thúc thời vụ. Thành công này sẽ là tiền đề quan trọng để những mô hình này tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tiếp theo, giúp cho phong trào chuyển dịch cây trồng trên địa bàn không ngừng đem lại hiệu quả cao hơn nữa./.
 
 
Ý kiến của bạn