“Cần coi trọng nhân rộng điển hình tiên tiến!”

 9616 lượt xem
Nhân rộng điển hình tiên tiến được coi là một trong những khâu yếu của Phong trào thi đua Quyết thắng ở các đơn vị trong toàn quân hiện nay. Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao đổi về nguyên nhân, cách khắc phục vấn đề trên. 

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng

PV: Kính thưa Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, qua khảo sát phần lớn các đơn vị trong toàn quân đều tự nhận là còn yếu trong khâu nhân rộng điển hình tiên tiến. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng: Đúng là trong phong trào thi đua ở các đơn vị hiện nay, nếu so với khâu phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến thì khâu nhân rộng điển hình đang còn yếu. Tôi cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đó là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, xuất phát từ nhận thức trong lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị. Mục đích của phong trào thi đua, như Bác Hồ đã từng dạy là từ “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp” thì phải làm sao để mỗi tập thể và cả dân tộc trở thành “rừng hoa đẹp”. Như vậy, phát hiện, chăm chút “bông hoa đẹp” là để nhân rộng chứ không phải để ngắm, cũng như xây dựng một điển hình tiên tiến không phải là cái đích của phong trào thi đua, mà xây dựng điển hình là để nhân rộng ra, tạo ra được nhiều điển hình để thúc đẩy phong trào thi đua và đạt đến mục đích là nâng cao chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ. Nhận thức này rất quan trọng nhưng nhiều đơn vị chưa thấu suốt. Nguyên nhân thứ hai là hệ quả từ nguyên nhân thứ nhất, vì nhận thức chưa đúng nên nhiều đơn vị chưa coi trọng tổng kết đâu là bài học, là phương pháp, là nét đặc sắc, nét riêng… của từng điển hình tiên tiến. Mỗi điển hình đều có những đặc điểm, điều kiện, nguyên nhân thành công chung và riêng. Chúng ta phải tổng kết được, để cái chung thì mọi người vận dụng, học tập, làm theo, cái riêng thì mọi người tham khảo. Hiện nay, nhiều đơn vị xây dựng điển hình tiên tiến chỉ mới để tuyên dương, chứ chưa phải để mọi người trông vào mà học tập, phấn đấu, đua đuổi và vượt lên. 
 
Một nguyên nhân nữa, là quan niệm về điển hình tiên tiến trong các đơn vị hiện vẫn chưa rõ ràng, nhiều đơn vị nhầm lẫn giữa điển hình với người có thành tích. Điển hình tiên tiến thì đương nhiên là phải có thành tích, nhưng có thành tích thì chưa hẳn đã bật lên thành điển hình. Cũng từ quan niệm này, có đơn vị đặt ra yêu cầu quá cao cho điển hình, cứ nghĩ điển hình thì phải toàn diện. Nhưng thực tế của phong trào thi đua cho thấy, có thể có điển hình toàn diện nhưng cũng có điển hình từng mặt, không nhất thiết phải toàn diện. Một số tấm gương anh hùng chẳng hạn, có người toàn diện, nhưng có người chỉ một hành động, một việc làm cũng có thể trở thành anh hùng. Ở đây, tôi muốn lưu ý các đơn vị, điển hình không phải là tích lũy, là phép cộng tất cả các bằng khen, giấy khen, hay thành tích.
 
Còn một nguyên nhân nữa làm cho việc nhân rộng điển hình tiên tiến rất khó nhân rộng, đó là một số đơn vị có quan niệm không đúng và cách làm sai trong xây dựng điển hình tiên tiến cả tập thể và cá nhân, xây dựng điển hình theo kiểu “nuôi gà chọi”, dồn hết lãnh đạo, chỉ đạo, nhân lực, vật lực cho đơn vị xây dựng điển hình, chọn những cá nhân có điều kiện thuận lợi nhất về mọi mặt để xây dựng điển hình... Quan niệm và cách làm đó không thể làm cho các tập thể và cá nhân khác học tập và làm theo điển hình được mà trái lại làm cho việc tuyên dương, tuyên truyền về điển hình tiên tiến giảm tác dụng rất nhiều.
 
PV: Vâng, như vậy có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề nằm ở khâu nhận thức?
 
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng: Đúng, nhưng chưa đủ. Thực tiễn phong trào thi đua hiện nay còn chỉ ra cho chúng ta thấy một nguyên nhân. Đó là: Các đơn vị thừa nhận đây là điểm yếu nhưng vẫn ít quan tâm đến việc nhân rộng điển hình, không tìm ra biện pháp, cách làm. Đây mới là vấn đề đáng bàn. Có rất nhiều biện pháp để nhân rộng nhưng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng đơn vị. Đơn vị đó phải tổng kết được bài học thành công của từng điển hình. Phải bắt đầu từ việc lựa chọn, bình bầu điển hình cho chuẩn xác.
 
Điển hình không chuẩn xác nghĩa là điển hình không thực chất nên đơn vị mới ngại, không dám nhân rộng. Vì đã không thực chất thì người khác, đơn vị khác sẽ không học, không phục. 
 
Ngược lại, có những điển hình thực chất nhưng cách tuyên truyền, biểu dương của đơn vị lại khiến người ta nghĩ là rất khó làm theo. Chẳng hạn, khi tôi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng ở một số đơn vị, được nghe báo cáo thành tích của một số điển hình tiên tiến rất nổi bật, tôi đặt câu hỏi là đồng chí này có gì đặc biệt để làm nên thành tích đó? Tại sao người khác không học theo, làm theo được? Nhưng lãnh đạo, chỉ huy ở đó tỏ ra lúng túng và trả lời rất chung chung. Đấy, vấn đề là khi có điển hình tiên tiến rồi, ta phải biết lật ngược vấn đề, phân tích, lý giải nguyên nhân, phương pháp nào dẫn đến thành công của điển hình.
 
Một nguyên nhân khác, mà các đơn vị chưa chú ý là lâu nay ta cứ đặt vấn đề nhân rộng điển hình tiên tiến chung chung thế thôi, chứ chưa có kế hoạch cụ thể một cách bài bản. Tôi đã đi kiểm tra ở nhiều đơn vị, hầu hết đều chưa có kế hoạch cụ thể về nhân rộng điển hình, hoặc nếu có thì cũng chưa toàn diện, chưa có các biện pháp cụ thể, thiết thực. Nhân rộng điển hình mới dừng lại ở việc có kêu gọi, có nêu vấn đề, có tuyên truyền, có tổ chức tham quan nhưng không có kế hoạch cơ bản, cụ thể được phê duyệt đúng bài bản.
 
Tôi nghĩ, nếu đơn vị nào đã có điển hình tốt, phân tích, lý giải được nguyên nhân, phương pháp, cách làm rồi có kế hoạch nhân rộng cụ thể thì nhất định các điển hình sẽ nở rộ, sẽ biến những "bông hoa đẹp" trở thành "rừng hoa đẹp" trong từng đơn vị và trong toàn quân. 
 
 
Kho KV4, Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động 50
 
PV: Ở đơn vị cơ sở vẫn thường hay nói, “khen phải thưởng”. Thực tế là “thưởng” rất quan trọng, thậm chí có người nói chỉ có thưởng hậu thì mới tạo động lực lớn cho thi đua, nhưng ở đơn vị cơ sở, kinh phí luôn là vấn đề rất khó khăn nên tổ chức thi đua cũng gặp khó khăn, từ đó dẫn đến cái khó xây dựng điển hình. Theo đồng chí, chúng ta có biện pháp nào cho vấn đề này ?
 
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng: Trước hết, cần khẳng định quan điểm nhất quán là thi đua phải gắn với khen thưởng và đã khen thì phải có thưởng theo đúng quy định chung. Kinh phí đúng là một nguyên nhân, có quan hệ rất lớn đến chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua nói chung. Nhưng trong xây dựng điển hình, nếu đặt nặng điều kiện kinh phí thì chưa đúng bản chất vấn đề. Như trên tôi đã nói, xây dựng điển hình không phải là dồn nguồn lực để “tô vẽ” một tập thể hay cá nhân nào đó. Thực chất của công tác này là mỗi tổ chức phải có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, tạo ra động lực tinh thần là chính để cá nhân, tập thể đó phấn đấu trở thành điển hình. Đặc biệt là trong xây dựng điển hình tập thể, khi đơn vị nào đó đã được lựa chọn thì không phải là ưu tiên kinh phí, quan tâm giúp đỡ bằng mọi giá để đơn vị đó tạo ra thành tích mới, đỉnh cao mới. Nếu thế thì các đơn vị khác làm sao học tập, làm theo được? Cho nên, để nhân rộng thì ngay từ khâu lựa chọn đã phải xem nhân tố đó có thể tự phấn đấu trở thành điển hình được không. Cái mà lãnh đạo, chỉ huy quan tâm, giúp đỡ chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khuyến khích nhằm tạo động lực, sức mạnh nội sinh để cá nhân, tập thể đó tự phát triển. Còn như cố nâng đỡ để dựng thành điển hình, như cách chúng ta hay gọi là “nuôi gà chọi” ấy, không phải là xây dựng điển hình. Nhân đây tôi muốn nói thêm một ý là các đơn vị cần quan tâm trích một phần quỹ phúc lợi của mình để tăng thêm nguồn kinh phí cho khen thưởng nhất là khen thưởng đột xuất, vì kinh phí khen thưởng theo quy định rất hạn hẹp, kinh phí, vật chất của đơn vị bỏ thêm vào thì không có quy định nào chung cả mà phụ thuộc vào khả năng của từng đơn vị cụ thể, nhưng ít nhiều cũng nên có.
 
PV: Xây dựng điển hình là khó nhưng có một thực tế khác là nhiều đơn vị có điển hình mà không tạo điều kiện cho điển hình ấy phát triển, chỉ tuyên dương xong là thôi. Chẳng hạn, gần đây Ban Thanh niên Quân đội cho biết, một số cán bộ, sĩ quan trẻ sau khi được tuyên dương “Gương mặt tiêu biểu trong thanh niên quân đội” thì đơn vị không có bất kỳ sự ưu tiên, khuyến khích phát triển nào?
 
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng: Đây là vấn đề mà Quân uỷ Trung ương và đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ Quốc phòng rất quan tâm. Nếu các đồng chí theo dõi thì chúng ta thấy là mỗi khi phát hiện điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt nào đó, đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm chỉ đạo kiểm tra và khen thưởng kịp thời và tạo điều kiện cho cá nhân, tập thể đó phát triển rất tốt. Tổng cục Chính trị cũng rất chú trọng vấn đề này, luôn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và việc làm cụ thể. Có rất nhiều hướng dẫn, quy định về việc tạo cơ chế, chính sách để các cá nhân điển hình phát triển như phong quân hàm vượt cấp, thăng quân hàm trước niên hạn, nâng lương, bố trí vị trí công tác để phát huy tài năng, hoặc có những ưu đãi khác như nhà cửa, đất đai...  
 
Trường hợp có người được tuyên dương điển hình rồi mà không được tạo điều kiện phát triển như đồng chí nói, có thể có hai nguyên nhân. Một là, điển hình đó không thực chất, đơn vị chỉ cố “tôn” lên nên tuyên dương rồi thì không thể “tôn” mãi được, phải trả về vị trí đích thực. Hai là, có thể có tình trạng đố kỵ với người tài, đố kỵ với điển hình. Như vậy, điển hình ở cấp nào thì cấp đó phải rà soát lại, phải rất cụ thể. Mọi trường hợp sẽ thấu lý, đạt tình nếu có báo cáo rõ ràng, đủ sức thuyết phục. Ngay cả với giải thưởng “Gương mặt thanh niên tiêu biểu trong quân đội” mà đồng chí vừa nêu cũng phải kiểm tra lại cho chính xác và nếu cá nhân điển hình tiên tiến là thực chất mà chưa được tạo điều kiện ưu đãi để phát triển thì cần làm ngay.
 
PV: Hiện có ý kiến cho rằng, xây dựng điển hình trong nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ rất khó khăn. Theo đồng chí, làm cách nào để chúng ta có điển hình cấp toàn quân, toàn quốc trong lĩnh vực rất quan trọng này?
 
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng: Trong chỉ đạo của Tổng cục Chính trị về xây dựng điển hình tiên tiến thì lĩnh vực huấn luyện, SSCĐ là một khối công việc trọng tâm. Đây là khối mà công tác thi đua gắn liền với nhiệm vụ nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội nên bao giờ cũng được ưu tiên, tạo điều kiện tốt. Tôi lấy ví dụ, trong tỷ lệ khen thưởng của các đơn vị quân đội, khối này luôn chiếm 60-70% tổng số được khen thưởng hằng năm. Qua các kỳ đại hội thi đua quyết thắng của Bộ Quốc phòng thì khối này vẫn chiếm số lượng chủ yếu. Các đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân được phong tặng những năm gần đây cũng chủ yếu nằm ở khối này. Nhưng đúng là việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này rất khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
 
Chẳng hạn, bây giờ để xây dựng được một đơn vị hay cá nhân điển hình tiên tiến của khối huấn luyện, SSCĐ thì gặp một thực tế là các đơn vị này thường quản lý quân số lớn, nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Do vậy rất dễ nảy sinh vụ việc vi phạm kỷ luật, mà trong thi đua, hễ có một vài vụ vi phạm kỷ luật, nhất là kỷ luật nghiêm trọng là bị ảnh hưởng rất lớn đến phong trào thi đua và xét khen thưởng. Cái khó của các đơn vị huấn luyện, SSCĐ là ở chỗ đó. Tuy nhiên, như tôi đã nói, đây là khối thi đua rất quan trọng trong quân đội nên thời gian tới, các cấp phải quan tâm hơn nữa, tìm ra bài học kinh nghiệm để xây dựng và nhân rộng được nhiều điển hình tiên tiến trong khối này. Trong đề án về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến của Bộ Quốc phòng, chúng tôi rất quan tâm đến bộ phận này. Các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị cũng đang tiến hành nhiều biện pháp ráo riết, quyết tâm thực hiện thành công đề án xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong lực lượng quân sự, quốc phòng nói chung, trong khối huấn luyện, SSCĐ nói riêng.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
 
Ý kiến của bạn