Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng (kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới An Giang) tại buổi làm việc với xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú) mới đây.
Phó Chủ tịch Lê Văn Nưng phát biểu tại buổi kiểm tra Vĩnh Lộc.
Theo mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến năm 2015, An Giang có 25% số xã, thị trấn đạt xã nông thôn mới (tương ứng với 34 xã, thị trấn). Tuy nhiên, theo báo cáo từ Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, kết quả đạt tiêu chí nông thôn mới của 136 xã, thị trấn (gọi chung là xã) năm 2011, có 9 xã đạt 10 – 13 tiêu chí, 82 xã đạt 5 – 7 tiêu chí và chưa có xã nào đạt 15 – 18 tiêu chí. Trong khi đó, cả nước đã có trên 120 xã đạt 15 – 18 tiêu chí. Do vậy, năm 2012, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ 1 – 2 lần/tuần, dựa trên cơ sở khảo sát thực tế từng địa phương để có định hướng điều chỉnh và tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thành xã nông thôn.
Vĩnh Lộc là xã điểm huyện An Phú, vừa là địa phương đầu tiên được Ban Chỉ đạo của tỉnh chọn kiểm tra kết quả xây dựng nông mới năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012. Theo đó, xã có 3 tiêu chí đạt, còn 17 tiêu chí với 55 chỉ tiêu như sau: 19/55 chỉ tiêu đạt và vượt, 20/55 chỉ tiêu đạt trên 50%, 16/55 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với quy định đến năm 2015; hoàn thành 2 quy hoạch “Sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ” và “Phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển các khu dân cư và chỉnh trang các khu dân cư hiện có”. Ông Trần Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã thừa nhận, là một xã vùng sâu và chỉ có sản xuất nông nghiệp, kết quả các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, thu nhập, hộ nghèo… bị giới hạn và gặp nhiều khó khăn.
Tham dự cuộc họp, các trưởng ấp đã đề xuất nguyện vọng người dân, như: Xúc tiến kế hoạch nạo vét kênh mương, xây dựng đê bao, cống bửng… chuẩn bị cho sản xuất vụ 3 và giao thông đi lại ở địa phương. Trả lời các kiến nghị của xã, ông Lữ Cẩm Khường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, năm 2012, huyện đã đưa công trình “Nam kênh Vĩnh Lộc” vào danh mục được đầu tư và phân bố theo nguồn vốn ngân sách, còn việc sản xuất lúa vụ 3 thì huyện chưa có chủ trương, vì phải tuân thủ theo quy hoạch chung và nguồn vốn đầu tư đòi hỏi rất lớn, cân nhấc lợi ích cả khu vực bờ Đông sông Hậu. Ông Khường cũng yêu cầu các ngành của huyện phải phối hợp với xã và ngược lại để có thông tin 2 chiều phục vụ cho việc hướng dẫn, xử lý kịp thời các vướng mắc và công việc thực hiện trong từng thời điểm.
Sau khi nghe đại diện các Sở Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Kế hoạch – Đầu tư, Văn phòng Điều phối… đóng góp cho Vĩnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2011 của xã; nhất là việc hoàn thành 2 quy hoạch theo quy định và xác định được mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí để phấn đấu thực hiện tốt hơn năm 2012. Ông nhấn mạnh: “Vĩnh Lộc cần phải xem xây dựng nông thôn mới là chương trình vận động toàn xã hội và cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Vai trò của bí thư và chủ tịch xã rất quan trọng, tạo ra động lực cả bộ máy địa phương hoạt động đồng bộ. Từ đó, xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động theo phương châm “4 dễ” là dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp.
Đề cập các giải pháp năm 2012, Phó Chủ tịch Lê Văn Nưng yêu cầu Vĩnh Lộc cần có kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện và nguồn vốn “xã hội hóa” cụ thể. Đặc biệt, xã nên chọn nhóm công việc (26/59 chỉ tiêu) không cần vốn, vốn ít và dễ để thực hiện trước. Về sản xuất vụ 3 ở địa phương, lưu ý phải tôn trọng sự cần thiết và đảm bảo đầy đủ nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nếu không sẽ dễ dẫn đến rủi ro. Dịp này, ông Nưng cũng gợi mở một số cách làm và mô hình “xã hội hóa” xây dựng nông thôn mới để An Phú thử nghiệm, nhân rộng các xã, thị trấn trong năm 2012 và những năm tiếp theo.