Cơ giới hóa thu hoạch: Nâng cao hiệu quả kinh tế

 9369 lượt xem
Vụ lúa thu đông năm nay, nông dân thị xã Tân Châu đã giảm bớt những khó khăn trong thu hoạch do thiếu công cắt, nhờ cơ giới hóa. Đặc biệt, máy gặt còn giúp nông dân giảm nhiều chi phí để tăng thêm lợi nhuận. Theo tính toán, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có thể giảm gần 50% chi phí... 

Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và vận chuyển lúa.

Nông dân Võ Thành Long, ngụ khóm Long Thạnh I, phường Long Sơn cho biết, sử dụng máy gặt đập liên hợp tốn chi phí chỉ từ 160.000-180.000/công nên 3 héc-ta nếp của gia đình thu về lợi nhuận cao. Theo ông Long, mấy năm trước do thiếu lao động trong thu hoạch lúa nên giá công cắt cao ngất ngưởng. Trung bình giá công cắt 100.000 đồng/công, nếu lúa ngã thì khoảng 120.000-150.000 đồng/công. Và mặc dù đã dằn công trước nhưng đến thời điểm thu hoạch rộ, giá công cắt cứ liên tục gia tăng do nhân công lao động “làm eo”. Không ít ruộng lúa sập phải thuê với giá 200.000 đ/công cắt nhưng nhiều lúc còn gặp cảnh “cò kè bớt một thêm hai”. Có hộ vỏn vẹn vài công lúa mà phải mướn giá cao, chưa kể các khoản khác như suốt, kéo, rải rơm nên lợi nhuận chẳng còn bao nhiêu. Theo tính toán của ông, giá thuê máy gặt đập liên hợp chỉ bằng một nửa so với thuê mướn bằng thủ công trong thời điểm hiện tại. “Nhờ cơ giới hóa mà thu hoạch nhanh chóng, kịp thời, ít hao hụt, giá cả thấp. Ngoài ra không phải tốn tiền thuê mướn rải rơm, suốt hay kéo lúa về bến sông”, ông Long nhận xét. Gia đình ông mướn máy gặt chỉ tốn trên 5 triệu đồng, trong khi cùng diện tích đó nếu mướn cắt bằng thủ công cùng với các dịch vụ khác như: Thu gom, suốt, kéo, rải rơm phải mất khoảng 12 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn Trịnh Hoàng Thiện Nhân cho biết, phường đã thu hoạch dứt điểm 1.009 héc-ta lúa vụ thu đông, trong đó 96% sử dụng máy gặt đập liên hợp. Tại phường có 7 máy gặt, 12 lò sấy lúa. Nhờ thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch mà chất lượng lúa cao, bán được giá, đặc biệt giảm hao hụt…  Đây là vụ thứ 3 nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch. 

Còn nông dân Trịnh Văn Dứt, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thạnh hân hoan bởi niềm vui thắng lớn vụ lúa thu đông. 5 héc-ta lúa 6976 nằm trong Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A1 trúng mùa, trúng giá. Khâu thu hoạch rất thuận lợi vì 500 héc-ta lúa của 408 xã viên được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Ông chia sẻ: “Do giống lúa cứng cây nên rất thích hợp khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, mà lại giúp nông dân giảm chi phí rất nhiều, tiết kiệm được thời gian…”. Bên cạnh máy gặt đập, từ năm 2009 gia đình ông Dứt còn có lò sấy lúa phục vụ cho gia đình và làm thêm dịch vụ cho bà con xung quanh khi có nhu cầu… 
 
Không chỉ giúp khắc phục được tình trạng thiếu nhân công, tiết kiệm được chi phí thu hoạch, máy gặt đập liên hợp còn giúp nông dân giảm bớt thất thoát để nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa. Đó là ưu điểm của máy gặt đập liên hợp khiến nhiều nông dân tâm đắc. Từ những hiệu quả thiết thực, thời gian gần đây, các địa phương đã tích cực vận động nông dân mua máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt khá cao. Theo Phòng Nông nghiệp thị xã Tân Châu, toàn thị xã có 57 máy gặt đập liên hợp, 121 máy sấy. Vụ thu đông, tỷ lệ diện tích lúa sử dụng máy gặt đập liên hợp gần 100%, góp phần không nhỏ tăng chất lượng hạt gạo và lợi nhuận cho nhà nông… 
 
 
Ý kiến của bạn