Ở các xã Phước Long, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B và một phần thị trấn Phước Long, một phần xã Vĩnh Phú Tây (thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) trước đây là vùng đất phèn, mặn. Năm 2001, nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, huyện Phước Long phân ra thành 2 vùng sản xuất mặn - ngọt. Từ đó, vùng đất phèn, mặn đầy tiềm năng này đã được đánh thức.
Trước đây, vùng đất này chỉ canh tác 1 vụ lúa/năm. Do đời sống quá khó khăn nên không ít người phải bỏ đất đi xứ khác làm thuê để sinh sống. Ông Nguyễn Văn Tiền (ấp Phước Thành, xã Phước Long) kể: “Tôi có hơn 1ha đất, nhưng lúc bấy giờ chỉ độc canh cây lúa và sản xuất 1 vụ/năm. Vì thế, thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Gia đình tôi rơi vào cảnh nghèo đói, nợ nần chồng chất. Sau khi có nước mặn, tôi bắt đầu nuôi tôm và cuộc sống dần khá lên từ đây”.
Mô hình lúa - tôm ở xã Vĩnh Phú Tây cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động, nên năm đầu tiên, ông Tiền đã thu lãi khá cao từ nuôi tôm. Bên cạnh việc sản xuất mô hình tôm - lúa, ông Tiền còn sản xuất các mô hình kết hợp như: Tôm - cua, tôm - cá. Đặc biệt, ông còn tận dụng bờ liếp vuông tôm để trồng màu, mỗi năm thu lãi hơn 10 triệu đồng. Theo ông Tiền, với trên 1ha đất sản xuất của gia đình, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi từ 150 triệu đồng trở lên. Giờ đây, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá, con cái được học hành đàng hoàng và đã có việc làm ổn định.
Có thể khẳng định, chủ trương chuyển đổi đã đánh thức những cánh đồng cả hai vùng sản xuất mặn - ngọt của huyện Phước Long, nhất là cánh đồng được mệnh danh “đồng Chó Ngáp”. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Ông Dương Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Long, cho biết: “Nhờ có chủ trương chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà đời sống các hộ nghèo dần nâng lên khá, giàu, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu như đầu năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 20%, thì nay, đã giảm xuống dưới 4% theo tiêu chí cũ. Hầu hết nhà ở được người dân xây dựng cơ bản, khang trang, không còn nhà lụp xụp; 100% hộ dân đã có phương tiện nghe nhìn, giao thông nông thôn được phát triển thông suốt liền xã, liền ấp. Điều đáng ghi nhận là nhiều bà con thực hiện các mô hình sản xuất kết hợp - những mô hình được đánh giá là bền vững trên vùng đất chuyển đổi”.
Trở lại Phước Long hôm nay, nhiều người rất phấn khởi khi những cánh đồng năn hoang hóa, rộng lớn ngày nào giờ đây đã được thay vào bằng bức tranh xanh mơn mởn của vụ lúa đông xuân, những cánh đồng “con tôm ôm cây lúa”, nuôi các loại thủy sản. Một khi thế mạnh của vùng đất được phát huy và khai thác có hiệu quả, thì vùng đất nhiễm phèn, mặn của huyện Phước Long nay đã trở thành “vị ngọt”, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Phước Long sớm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015.