Anh Nông Tấn Dí (sinh 1968) ở ấp Bắc, xã Tân Thạnh (Thanh Bình) là nông dân làm lúa giống đạt hiệu quả cao, góp phần đưa phong trào nông dân làm lúa giống ở địa phương phát triển mạnh. Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II, tổ chức tại TP.Sóc Trăng vào tháng 10-2011, anh Dí cùng với 48 nông dân trong cả nước được tôn vinh điển hình - tiên tiến - sáng tạo trong sản xuất lúa.
Anh Dí đang theo dõi lúa giống sau khi cấy.
Vụ đông xuân năm 2003, anh Dí tham gia mô hình giảm giá thành sản xuất lúa mang lại lợi nhuận cao so với những người không tham gia mô hình. Sau đó, anh tiếp tục tham gia vào nhiều chương trình như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và vận động nhiều nông dân cùng tham gia. Năm 2004, anh được chọn tham gia lớp đào tạo giảng viên nông dân về giống nông hộ để tập huấn, hướng dẫn cho nông dân trong huyện về sản xuất lúa giống.
Thấy được hiệu quả của việc sản xuất giống, anh Dí quyết định chuyển 4ha sang làm lúa giống cấp nguyên chủng với kết quả giá bán cao hơn lúa hàng hóa 2.000 đồng/kg, lợi nhuận cả năm tăng thêm trên 100 triệu đồng. Qua 3 năm làm lúa giống như vậy với sản lượng hàng năm khoảng 52 tấn, không đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất tại địa phương, nên cuối năm 2008 anh vận động các hộ trong địa bàn thành lập CLB sản xuất lúa giống, với 19 hộ tham gia sản xuất 22ha.
Với vai trò chủ nhiệm CLB, anh thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên trong CLB, tham quan, học tập các CLB bạn, lập kế hoạch sản xuất cho từng vụ, liên hệ với các ngành chuyên môn nhờ tư vấn kỹ thuật, tìm nơi tiêu thụ lúa... nên CLB hoạt động ngày càng hiệu quả, tăng lợi nhuận trong sản xuất. Lúa của CLB sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa hàng hóa trên 12 triệu đồng/ha.
Năm 2011, CLB được 23 thành viên với 28ha, trong đó 9ha sản xuất lúa giống nguyên chủng, năng suất bình quân cả năm 6,5 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa hàng hóa 3.000 đồng/kg; 17,5ha sản xuất giống xác nhận với năng suất bình quân 6 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa hàng hóa 1.500 đồng/kg. Các thành viên trong CLB đã có thu nhập tăng, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu lúa giống đạt chất lượng ở địa phương và nhiều nơi khác.
Anh Dí bộc bạch: “Làm lúa giống thật sự đem lại hiệu quả cao so với làm lúa hàng hóa. Ngoài yếu tố kỹ thuật, việc dự đoán đúng nhu cầu nông dân sử dụng những giống lúa gì để quyết định sản xuất là rất quan trọng. Nếu dự báo sai xem như thất bại, vì lúa giống bán không được chuyển sang bán giá lúa thịt, rất khó bán, giá cũng không cao”. Với kinh nghiệm và những thành công trong thời gian qua, anh Dí đang vận động thêm thành viên tham gia vào CLB và tiến đến đăng ký nhãn hiệu lúa giống của CLB.
Từ những thành tích đã đạt được và có đạo đức lối sống tốt, có tinh thần vì cộng đồng,... năm 2009 anh Dí được vinh dự kết nạp đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện ngoài công việc làm lúa giống, khuyến nông viên của xã, chủ nhiệm tổ hợp tác, anh Dí đang theo học lớp trung cấp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là điều kiện tốt để anh tích lũy thêm kiến thức, phát huy kết quả và tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn cho nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.