Nhiều đề tài có ứng dụng cao của sinh viên sẽ được áp dụng thực tế

 7278 lượt xem
Bước ra khỏi những khuôn mẫu khô cứng của giáo trình, giảng đường để tự mình tìm lời giải cho những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong cuộc sống như làm thế nào để tái sử dụng bã cafe? Một cây gậy thông minh cho người khuyết tật hay chế tạo một chiếc máy rửa quả lọc giúp giảm chi phí cho các bệnh nhân chạy thận… 

Những nỗ lực ấy của các sinh viên đã được ghi nhận tại Lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2011 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội. 

 
    Máy rửa quả lọc thận đầu tiên tại Việt Nam 
     
    Với đề tài nghiên cứu “Thiết kế hệ thống rửa quả lọc để tái sử dụng trong chạy thận nhân tạo”, nhóm sinh viên Nguyễn Minh Đức, Lê Văn Quyền, Nguyễn Tiến Dân và Nguyễn Thị Anh Đào đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Giải Nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011 được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.  
 
    Sản phẩm của những sinh viên Đại học Bách khoa này là một chiếc máy hoàn toàn mới chưa hề có tại Việt Nam trước đó. 
 
    Trưởng nhóm Nguyễn Minh Đức cho biết, sau khi tiến hành khảo sát, nhóm phát hiện ra tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi tập trung lớn nhất cả nước về số lượng bệnh nhân chạy thận, nhưng sau mỗi lần bệnh nhân sử dụng, các nhân viên y tế lại phải rửa quả lọc bằng tay. 
 
    Việc rửa bằng tay vừa không đảm bảo an toàn cho người rửa do phải tiếp xúc với máu của bệnh nhân, lại mất thời gian từ 1 đến 1,5h đồng hồ mới rửa xong một quả. Chưa kể, do rửa thủ công nên một quả thận chỉ có thể tái sử dụng được từ 3 đến 5 lần trong khi theo tiêu chuẩn, một quả lọc có thể dùng đến 15 lần. 
 
    Với hệ thống máy rửa của nhóm, chỉ cần 45 phút để rửa mỗi quả lọc, rút ngắn được ½ thời gian. Số lần tái sử dụng cũng có thể tăng lên rất nhiều. Lượng dung dịch và nước cũng được tính toán để tiết kiệm tối đa. 
 
    Theo trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Minh Đức, hiện cả nhóm đang bắt tay vào thiết kế hệ thống kiểm định chất lượng rửa quả lọc. Dù theo đánh giá bằng mắt thường, việc rửa quả lọc bằng hệ thống này rất sạch, nhưng để có thể đưa vào sử dụng trong các bệnh viện thì cần phải có thiết bị kiểm định chất lượng.  
 
    “Cả nhóm đang triển khai nghiên cứu thiết bị này. Chúng em rất hy vọng sẽ sớm có thể đưa hệ thống rửa vào thực tế để giúp cho các bệnh nhân giảm được chi phí trong mỗi lần chạy thận,” Đức chia sẻ. 
 
Cây gậy phát sáng 
 
    Một cây gậy vô cùng đặc biệt, vừa phát sáng, vừa phát ra âm thanh dành cho người khiếm thị là sáng tạo của nhóm sinh viên Huỳnh Hữu Cảnh, Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Phạm Uyên Phương và Nguyễn Thị Thùy Dung (Khoa giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). 
 
    Là người khiếm thị nên Cảnh và Phương luôn gặp nhiều khó khăn khi ra đường. Ý tưởng về cây gậy đặc biệt do Cảnh đưa ra vì thế đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của các bạn cùng lớp. 
 
    Phương cho biết, ở nước ngoài có cây gậy cảm ứng dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, cây gậy hiện đại đó lại không phù hợp với điều kiện giao thông ở Việt Nam khi khắp các vỉa hè đều có xe dựng, người qua lại.  
 
    “Nếu dùng cây gậy đó ở Việt Nam, nó sẽ rung tín hiệu báo suốt khiến người khiếm thị không biết đường nào mà tránh. Mình không tránh được, nên đành lắp đèn, lắp chuông để người ta biết mà tránh mình vậy,” Phương cười nói. 
 
    Cây gậy đặc  biệt ấy của nhóm được thiết kế 6 chiếc đèn leb ở phần đầu gậy, gần tay cầm. Phía chân gậy được dán giấy phản quang. Chân gậy còn có cả bánh xe để giúp người khiếm thị phát hiện ổ gà. Nút điều chỉnh đèn, âm thanh được gắn ở đầu gậy và thiết kế chữ nổi để người khiếm thị có thể phân biệt được nút tắt, mở. 
 
    “Em và Cảnh đã sử dụng thử, đồng thời nhờ nhiều người khác sử dụng để kiểm định và thấy kết quả rất tốt,” Phương hớn hở cho biết. Cũng theo Phương, một cây gậy thông minh nhưng giá rất “hữu nghị”, chỉ khoảng 200.000 đồng mỗi cây.  
 
    Là người khiếm thị nên để thiết kế một cây gậy như thế, cả nhóm đã rất vất vả. Từ việc lên mô hình gậy cũng phải nhờ người khác vẽ hộ theo ý tưởng của mình, rồi thuê xe ôm đi đến các cửa hàng bán đồ điện tử, nhờ họ chọn hộ hàng theo yêu cầu.  
 
    “Tuy nhiên, sản phẩm thu được hoàn toàn giống như hình dung của cả nhóm. Với giải thưởng này, nhóm cũng hy vọng sẽ được một đơn vị nào đó hỗ trợ để có thể đưa cây gậy đến với nhiều người hơn,” Phương chia sẻ. 
  
    Biến bã cafe thành… than 
 
    Cũng là một trong những công trình đoạt giải nhất, đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tái sử dụng bã cafe để sản xuất các sản phẩm tái chế” của sinh viên Đặng Huyền Châu và Phạm Đăng Trình của Đại học Dân lập Văn Lang đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người vì có ý nghĩa thực tiễn cao. 
 
    Để thực hiện đề tài này, Châu và Trình đã phải đi rất nhiều nơi, ngồi lì trong phòng thí nghiệm để phân tích đặc tính của bã cafe, từ ý tưởng đến sản phẩm thực tế phải mất cả năm ròng. 
 
    Sản phẩm đầu tiên là một loại than giống than tổ ong, nhưng tính ứng dụng không cao nên Châu tiếp tục “nâng cấp” sản phẩm than đặc biệt của mình lên thành thanh hình chữ nhật để có thể dùng cho các lò hơi. 
 
    Ban đầu, việc chế tạo thanh than được làm hoàn toàn thủ công do thiếu thiết bị máy móc. Nhưng với sự năng động sẵn có, Châu đã liên hệ với Công ty Cổ phần thiên sinh Komic ở Bình Dương, đề xuất ý tưởng và được Công ty này đầu tư một khoản tài chính cho đề tài của mình.  
 
    Có tiền để đầu tư máy móc, thanh than bã càphê của Châu càng chắc hơn, đẹp hơn và khả năng ứng dụng cao hơn. So với than thông thường, than từ bã cafe thân thiện hơn mới môi trường do không có khí thải độc hại. Hơn nữa, sau khi đốt cháy, phần tro vẫn có thể tiếp tục sử dụng làm phân bón.  
 
    “Hiện chúng em và Công ty đã có kế hoạch để đưa nghiên cứu này vào sản xuất trong thực tế,” Châu vui vẻ nói.
Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đổi tên Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học thành Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. 
 
Năm 2011, Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng đã nhận được 304 công trình tham gia. Đây là những công trình xuất sắc nhất được lựa chọn từ 94 trường đại học, học viện trên cả nước. 
 
Qua 2 vòng đánh giá với hơn 300 lượt giám khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định khen thưởng 198 công trình của 470 sinh viên, trong đó có 13 giải nhất, 30 giải nhì, 50 giải ba và 105 giải khuyến khích. 
 
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho 27 sinh viên thực hiện 13 công trình đoạt giải nhất và bằng khen cho 77 sinh viên thực hiện 30 công trình đoạt giải nhì. 
 
 
Ý kiến của bạn