Đây là câu nói của ông Phạm Văn Huê - hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) - người tự nhận cuộc đời mình luôn “nhảy rào”.
Hai năm háo hức trồng cà chua, rồi ngược xuôi lên tận Trường ĐH Nông nghiệp I (Hà Nội) để học cách trồng cà chua giàn; 4 năm tất tả xây lò làm bánh rán; rồi lại sắm máy xay xát; máy tuốt lúa; gần 10 năm đắm đuối với bãi sông, khai hoang phục hóa làm vườn trồng cây cảnh “khủng”, dựng bãi kinh doanh vật liệu xây dựng...
Thoát nghèo nhờ trồng cà chua giàn
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có đông anh em, cái nghèo luôn bám riết, tới mức quanh năm phải vác rá đi vay gạo, ông Phạm Văn Huê (lúc đó còn là chàng thanh niên mới lớn) hận “cái nghèo” vô cùng. Khi lập gia đình, sinh con gái đầu lòng, ông luôn nói với con: “Đời bố không làm giàu, quyết không làm người”.
Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Huê theo học lớp trung cấp hàn. Học xong, không gia nhập đội quân có bằng nghề để nhào vào các nhà máy, xí nghiệp như những trường hợp khác lúc đó, ông Huê về địa phương làm ruộng.
Người ta nói: “Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”, quả không sai. Tính cần mẫn, thức khuya dậy sớm của người nông dân nơi đồng màu quê nhà đã ngấm sâu trong người, khiến ông Huê càng thêm say mê việc đồng, tích cực xoay mùa, chuyển vụ.
Với diện tích 5 sào ruộng khoán, ông quyết định trồng cà chua lan. Tiếc thay, điệp khúc “trồng - chết” cứ lặp đi lặp lại. Thế mới biết, để có được những trái cà chua đỏ ửng, an toàn từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch, quả là không dễ.
Mặc dù vẫn còn chưa rõ lý do vì sao cà chua mình trồng lại không đậu quả, thậm chí chết yểu hàng loạt, nhưng ông Huê không hề nản. Một mình ông lên tận Trường ĐH Nông nghiệp I để học cách trồng cà chua giàn. Càng nghe, ông càng vỡ ra nhiều lẽ. Bởi, khu đồng Chiềng quê ông vốn là đồng trũng, nếu trồng cà chua ở đây mà không khoanh bờ, nhất là không làm giàn như ông thì sẽ khó mà tránh khỏi úng ngập.
Không những thế, cà chua trồng giàn còn tránh được sương muối, thậm chí, sương càng rơi, quả lại càng sai. Quả nhiên, nhờ đắp bờ vùng ngăn nước và đầu tư làm giàn, chỉ sau 2 vụ thu hoạch cà chua giàn, gia đình ông Huê đã thoát nghèo.
“Nhảy rào” làm giàu
Trồng cà chua giống như người đánh bạc với trời. Bởi thế, nên khi thắng được trời, ông Huê mừng lắm. Ông bộc bạch: “Cà chua giàn đã giúp gia đình tôi có “bát ăn”. Nhưng khi có “bát ăn” rồi lại muốn có thêm “bát để”. Vì vậy, mới tính tới chuyện mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Công việc đầu tiên mà tôi nghĩ tới là học nghề làm bánh rán.
Cứ mỗi đêm, lò bánh rán của tôi chế biến hết hàng tạ gạo, bán buôn, bán lẻ khắp vùng. Vào những năm 1987-1990, “bánh rán ông Huê” (người dân gọi vậy) nổi tiếng khắp khu vực phà Kiến An. Lợi nhuận thu được một đêm bằng lương cả tháng của thợ đóng tàu bậc 7/7 ở cạnh nhà. “Được như vậy, âu cũng là nhờ chữ tín mà tôi duy trì được từ phía khách hàng”, ông Huê nói.
Thấy làm nghề bánh mà không chăn nuôi thì thật lãng phí. Do vậy, ngoài phân công lao động hợp lý trong gia đình để làm các nghề khác, ông Huê còn đầu tư nuôi 15-20 lợn thịt, đồng thời mua máy xát gạo, tuốt lúa, vừa để giải phóng sức lao động, vừa tăng doanh thu cho gia đình. Nhờ đó, năm 1989, thời điểm kinh tế hộ gia đình ở địa phương gặp khó khăn nhất, gia đình ông Huê không những vẫn xây được nhà tầng ngất ngưởng, sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền, mà còn tích lũy được hàng trăm triệu đồng làm vốn, chờ cơ hội để “phất”.
Tự nhận mình là người luôn “nhảy rào” trong làm ăn, khi thấy đầu tư đã hết tầm rồi mà kinh tế gia đình vẫn chưa thực sự giàu, ông Huê không khỏi trăn trở. Thế rồi, gạt bỏ những mông lung, tự ty, ông quyết định đấu thầu 8.000m2 đất hoang ven sông Lạch Tray thuộc địa bàn xã quản lý để tính chuyện làm ăn lớn.
Xin được nói thêm rằng, vào thời điểm năm 1994, khu bãi hoang này ai nghe cũng phải lạnh người về những câu chuyện tà ma mà người ta thêu dệt, truyền khẩu. Riêng với ông Huê, điều đó càng khiến ông quyết chí khai khẩn vùng bãi hoang này. Đầu tiên là chiến dịch làm sạch cỏ dại, rồi lập bãi, xây lò nung vôi. Do mới vào nghề, lại chưa có kinh nghiệm nên vôi ra lò thường nửa sống, nửa chín. Thật cám cảnh khi nghe ông kể, ban ngày cả chủ lẫn thợ đều phải nghỉ, nằm chờ, chỉ đến khi màn đêm buông xuống mới dám cho vôi ra lò. Đã vậy, còn bị “ma cũ” (các chủ lò cũ) bắt nạt “ma mới” nữa chứ!.
Do nhu cầu về vôi những năm sau đó không lớn, ông Huê lại xoay sang kinh doanh than, cả than cám lẫn than bùn. Cũng vì luôn giữ được chữ tín với khách hàng nên người mua cứ rồng rắn kéo tới bến than nhà ông ngày càng đông, có hôm chỉ bán lẻ cũng đã vài trăm tấn. Với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng thu được mỗi năm này, tận dụng cơ hội “đô thị hóa” nhanh ở địa phương, nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng lớn, ông Huê tiếp tục “nhấn ga” đầu tư xây dựng bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Chỉ riêng mặt hàng này, ông Huê đã thu bình quân mỗi năm từ 4-5 tỷ đồng.
"Hộ nông dân SXKD giỏi Phạm Văn Huê, đã nhiều lần được các cấp hội và UBND thành phố khen thưởng, không phải chỉ vì có chí làm giàu cho gia đình, cho quê hương, mà còn có cái tâm, biết đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của nhiều hộ nông dân khác, nhất là những hộ người nghèo. "
Ông Phạm Xuân Lương
Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng
Chưa dừng ở đây, khi địa phương phát động “dồn điền đổi thửa” để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ông lại tiên phong “vào cuộc”. Chỉ có điều, người ta thì dồn đổi chỗ cao, lấy chỗ trũng hoặc dồn đồng xa, lấy đồng gần, còn ông thì dồn đổi “bờ xôi ruộng mật” để lấy bờ sông, bãi sú.
Ban đầu, thấy ông vận động anh em trong gia đình cùng dồn đổi để lấy hơn 10.000m2 đất ngoài bãi sông, ai cũng ngạc nhiên, lắc đầu. Nhưng rồi, hiểu được khẩu khí và cung cách làm ăn của ông, mọi người lại tin. Chỉ mới 5 năm (từ 2006 - 2010), toàn bộ diện tích đất dồn đổi nơi bãi hoang này đã trở thành trang trại cây cảnh “khủng”, với: 2.000 cây xanh thế, 300 cây lộc vừng, 400 cây hoa sứ, 2.500 giò hoa lan… đạt giá trị kinh tế ước 17 tỷ đồng.
Xòe ngón tay đếm từng khoản thu từ trang trại tổng hợp của mình, gồm cả 3 mô hình: Kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ đồ gỗ, sản xuất hoa cây cảnh trên tổng diện tích 18.000m2, ông Huê “khoe”: Riêng năm 2011, tổng thu của gia đình ông đạt xấp xỉ 7 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 15-17 lao động, với mức lương bình quân 4 triệu đồng/ người/ tháng (chưa kể 20-30 lao động thời vụ).
Ông Huê giờ đã là tỷ phú nơi vùng bãi bồi ven sông Lạch Tray. “Những “tỷ phú chân đất” như ông Huê, vừa có đầu óc tính toán làm ăn, lại vừa biết vượt lên chính mình để làm giàu đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê của Hải Phòng.