Thái Nguyên: Phát triển nhanh và bền vững

 9937 lượt xem
(BTĐKT) - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhân dân, trong những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững chắc và an ninh, quốc phòng được củng cố, tăng cường. 

Là một tỉnh Miền núi và Trung du thuộc Bắc bộ, với nhiều thành phần dân tộc định cư lâu đời như: Kinh, Tày, Sán Dìu, Mông, Dao... đã làm nên sự đa dạng về văn hóa các dân tộc Miền núi phía Bắc với địa hình chủ yếu là đồi, núi nên nền kinh tế phát triển mạnh về công nghiệp, nông - lâm nghiệp, đặc biệt là vùng chè nổi tiếng với 17.000ha. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có tiềm năng rất lớn về tài nguyên khoáng sản như than, vàng, chì, kẽm… Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; khu công nghiệp Sông Công; khu công nghiệp Nam Phổ Yên; các nhà máy quốc phòng… 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do giá cả và lạm phát tăng cao đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền và nỗ lực cố gắng của các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nên đã thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần làm cho kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và tiếp tục phát triển. 

 
Trung tâm Thành phố Thái Nguyên.
 
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết anh dũng trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, đoàn kết một lòng, khai thác tiềm năng thế mạnh, đưa Thái Nguyên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển trở thành một tỉnh công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đặc biệt, nhìn lại 10 năm trở lại đây, từ năm 2001 đến 2011, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc.
 
Đến nay hầu hết các chương trình, đề án, công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng cao tiềm lực góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để có được những thành tựu trên Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã xác định chủ đề, nhiều giải pháp trọng tâm hàng năm và tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành. Với tư duy hành động là: "Năng động, sáng tạo, sát tình hình, hiệu quả". Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp “năm đẩy, bốn quản, ba chống”, phương châm “Ba thân thiện" đã đưa tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua có những bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
 
 Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thái Nguyên tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 11,11%, cao gần gấp đôi bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; trong đó công nghiệp tăng từ 38,34% lên 41,6%; khu vực dịch vụ tăng từ 36,23% lên 37,32%; nông, lâm nghiệp giảm từ 25,43% xuống còn 22,08%. 
Với tư duy hành động là: "Năng động, sáng tạo, sát tình hình, hiệu quả"; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp “Năm đẩy, bốn quản, ba chống”, với phương châm “Ba thân thiện", giúp Thái Nguyên có bước phát triển đột phá, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó một số chỉ tiêu chủ yếu đạt kết quả cao như: Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,8 triệu đồng/người so với năm 2010; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 140 triệu USD, bằng 177,8 % so với kế hoạch, tăng 5,8 triệu USD so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.612 tỷ đồng; trong đó, thu trong cân đối ngân sách đạt 3.250 tỷ đồng, tăng 11,1% so với dự toán; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 415.000 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đạt 3,88% so với năm 2010, vượt 1,7% kế hoạch...
 
Nền kinh tế phát triển, kèm theo công tác giáo dục - đào tạo đang được khẳng định phát triển cả quy mô và loại hình. Đội ngũ giáo viên phát triển  về số lượng và chất lượng, đạt chuẩn từ 95% trở lên. Tính đến hết năm 2011 có 57% số trường đạt chuẩn quốc gia. Có trên 30 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề - Đây chính là một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của cả nước, góp phần quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng lực lượng tri thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề phục vụ trong tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc. 
 
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng dịch vụ du lịch từng bước phát triển với nhiều loại hình đặc sắc, mỗi năm thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh.
 
 
Thương hiệu chè của Thái Nguyên từng bước được khẳng định tại thị trường quốc tế.
 
Nổi bật, trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, nhưng với quyết tâm và cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và tổ chức thành công "Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011" - Đây là sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế lớn mang tầm quốc gia, quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Thành công của Liên hoan đã góp phần nâng cao vị thế, đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
 
Mặt khác, Thái Nguyên luôn quan tâm và đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó lấy việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm khâu đột phá. Lãnh đạo tỉnh luôn triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội, gắn thực hiện các chính sách xã hội với chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là với lao động trong các vùng dự án, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 162/180 xã đạt chuẩn về y tế. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai theo đúng kế hoạch. 
 
Đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh chống vi phạm, tội phạm, tệ nạn xã hội được củng cố và tăng cường. Thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng chắc chắn; xây dựng phương án, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh trật tự.  
 
Để hoàn thành những chỉ tiêu của tỉnh đề ra, hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ từng đơn vị và của tỉnh như: Phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi"... Đây chính là động lực thúc đẩy toàn bộ Đảng bộ, cán bộ công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng trong những năm vừa qua và hướng đến những năm tiếp theo.
 
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, năm 2012 tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2011, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội. Thái Nguyên phấn đấu trở thành một tỉnh giàu có, là trung tâm vùng Việt Bắc; có kinh tế - xã hội phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
 
Gia Linh
 
 
 
 
Ý kiến của bạn