"Chúng tôi cam kết phát triển nguồn cung cấp chè nguyên liệu tại VN, và sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất chè VN, đặc biệt là chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và tính an toàn của sản phẩm..."
Đó là phát biểu của ông Vikram Agarwal - Phó Chủ tịch phụ trách thu mua chè của Tập đoàn Unilever toàn cầu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác dự án phát triển chè bền vững tại VN, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Lễ ký kết Dự án phát triển chè bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, ngành chè ở VN tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Có khoảng 700 nhà máy sản xuất chè ở VN và gần 6 triệu người dân kiếm sống bằng việc trồng và sản xuất chè, do đó ngành chè đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Ông JV Raman - Chủ tịch Unilever VN cũng cho biết, dự án phát triển chè VN hướng đến các mục tiêu rất cụ thể. Đó là giúp VN tăng lượng chè đen xuất khẩu cho Unilever bằng cách hỗ trợ các nhà trồng và chế biến chè được chọn lựa ở VN nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của chè nguyên liệu. Cụ thể, đến năm 2015, Unilever sẽ thu mua từ 25.000 - 30.000 tấn chè đen ở VN đạt chất lượng được chứng nhận bởi Tổ chức Rainforest Alliance.
Trong năm 2012, Unilever sẽ tinh chọn phân khúc các nhà cung cấp và chính thức chọn ra một nhóm các nhà cung cấp chủ chốt tham gia làm đối tác trong dự án phát triển chè bền vững này. Cùng nông dân và nhà nông học triển khai các kế hoạch cải tiến nhằm tác động một cách tích cực tới chất lượng, sản lượng và hiệu quả của các cơ sở sản xuất đã được lựa chọn.
Thỏa thuận hợp tác này cũng có khả năng liên kết khoảng 50.000-70.000 hộ nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng chè. Đây cũng là một dự án trọng điểm giúp Unilever đạt được mục tiêu hỗ trợ 500.000 hộ nông dân VN và nhà phân phối nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty năm 2020.
Cây chè đang ươm ra thị trường quốc tế bằng sản phẩm sạch.
Bà Nguyễn Thị Nhài - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hương (Thái Nguyên) đơn vị đang tham gia sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ cho biết, việc áp dụng theo quy trình sản xuất có trách nhiệm đã giúp cho người nông dân tiết kiệm đáng kể lượng phân bón do sử dụng hợp lý và quản lý tốt hơn, nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm lại cao hơn. Không chỉ có vậy, sản phẩm chè nguyên liệu được sản xuất theo quy trình sạch luôn được thu mua với giá cao so với sản phẩm cùng loại.
Ông Đoàn Anh Tuân-Chủ tịch Hiệp hội Chè VN (Vitas) cũng cho rằng, trong hành trình hướng đến một nền sản xuất chè có trách nhiệm, ý thức của người nông dân, người sản xuất cần phải được thay đổi đầu tiên. Do vậy, năm 2012 ngành chè sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có trách nhiệm”.
Đồng hành cùng ngành chè trong chương trình này là Tổ chức Solidaridad và Công ty Unilever VN – hai đơn vị đi tiên phong trong việc hỗ trợ các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững cho các sản phẩm an toàn. Khi người nông dân tuân thủ đúng theo các quy trình được hướng dẫn, sản phẩm sẽ được cấp các chứng chỉ như UTZ và Rainforest Alliance.
“Đây là các chứng chỉ quốc tế được chứng nhận toàn cầu về an toàn thực phẩm, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng cũng có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm… Chúng sẽ là “visa” tốt cho sản phẩm chè VN bước vào thị trường chè quốc tế, cao cấp” - ông Tuân nhìn nhận.
Thực tế, năm 2011 một số bộ phận nông dân rất nhỏ đã vì lợi nhuận tự sản xuất chè bẩn để bán sang Trung Quốc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, chất lượng chè VN dù lượng chè bẩn là số ít và chỉ được xuất sang Trung Quốc song các doanh nghiệp có uy tín của VN đã khá khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm cũng như thương hiệu của mình.
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến năm 2011, xuất khẩu chè của VN chỉ đạt 131 nghìn tấn, với kim ngạch là 198 triệu USD. Mặc dù, giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2011 đạt khoảng 1.520 USD/tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2010, nhưng xuất khẩu chè lại giảm 4,3% về lượng và 0,8% về giá trị. Xuất khẩu chè sang các thị trường đều giảm so với năm trước, ngoại trừ Indonesia (tăng gấp đôi), Đức và Saudi Arabia tăng nhẹ...
Năm 2012, ông Tuân cho biết, ngành chè sẽ không chạy theo số lượng xuất khẩu mà sẽ chú trọng vào giá trị xuất khẩu mà doanh nghiệp thu được, để nhằm nâng cao thương hiệu chè VN trên thị trường thế giới.