Năm 2011, Hội Nông dân các cấp đã tích cực vận động hội viên tham gia vào các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân phát động. Từ các phong trào ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trên toàn quốc. Họ đã góp phần quan trọng xây dựng nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Mô hình trang trại nuôi cá sấu của nông dân ở Thái Bình.
Sản xuất kinh doanh giỏi
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo của các cấp Hội và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân. Trong năm 2011, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2011-2016. Kết quả năm 2011, cả nước có gần 5 triệu hội viên, nông dân đăng ký, qua bình xét năm 2011 có trên 4,2 triệu hộ gia đình hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 108% kế hoạch.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững (Việt GAP), góp phần nâng cao chất lượng nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn từng bước giúp nông dân sản xuất lúa theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch cụ thể. Những mô hình liên kết này bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, có sự liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, một số tỉnh đã áp dụng việc sản xuất cánh đồng mẫu lớn đối với các loại cây trồng khác rất có hiệu quả như cánh đồng mẫu lớn trồng đậu tương ở Thái Bình.
Từ việc thực hiện thí điểm, đến nay, nhiều địa phương đang triển khai đề án thí điểm mô hình xóa bờ thửa để sản xuất quy mô lớn khoảng 200ha và thành lập Công ty nông nghiệp. Với hình thức huy động nông dân góp ruộng đất, góp vốn để có diện tích ruộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa...đã cho thấy kết quả là giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Một số mô hình điển hình như: Mô hình trồng thanh long của Công ty Hoàng Hậu ở Bình Thuận; mô hình trồng vú sữa Lò Rèn của Hợp tác xã Vĩnh Kim (Châu Thành- Tiền Giang); trồng bưởi Năm Roi của Doanh nghiệp Hoàng Gia (Vĩnh Long), trồng xoài cát của Hợp tác xã Hòa Lộc (Cái Bè- Tiền Giang)...
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi trồng và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, hiện nay nông dân đã biết kết hợp mô hình trang trại và du lịch sinh thái; nuôi cá và dịch vụ câu cá... thu hút được nhiều khách du lịch tìm đến. Thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh đã dần hình thành phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên, nông dân còn đóng góp xây dựng Quỹ “Ngày vì người nghèo”, tích cực tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, cung cấp giống cây, con, tạo việc làm tại chỗ. Năm 2011, hội viên, nông dân cả nước đã tương trợ giúp đỡ được gần 70.000 hộ nông dân nghèo, khó khăn, với số tiền hàng chục tỷ đồng, hơn một triệu ngày công và những vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng tỷ đồng.
Thi đua xây dựng nông thôn mới
Thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã vận động và tổ chức cho hội viên, nông dân trong cả nước thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Năm 2011 đã có trên 8,9 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt trên 111% kế hoạch. Hưởng ứng phong trào thi đua, ngày càng xuất hiện nhiều người dân hiến đất, ngày công, tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Tại 11 xã điểm của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, nông dân đã tích cực góp công, góp của xây dựng và hoàn thiện nhanh chóng các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng. Những nhà văn hóa theo tiêu chí mới được xây dựng, hệ thống đường làng, ngõ xóm rộng hơn và được bê tông hóa. Nhận thức của người nông dân về một vùng nông thôn hiện đại, nên nông nghiệp hiện đại đã được nâng lên. Họ sẵn sàng góp vốn, đầu tư để mua những loại máy móc, thiết bị hiện đại về để phục vụ sản xuất. Họ cũng sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và mua giống mới về thâm canh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng nông sản. Vấn đề môi trường-một vấn đề mới đối với nông dân cũng đã được chú trọng và giữ gìn. Các mô hình mới xuất hiện trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới như: Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu mối; hợp tác với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân...đã dần dần giúp hình thành việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Nhằm nâng cao dân trí và trình độ cho người nông dân, năm 2011, Trung ương Hội đã phối hợp chặt chẽ với một số bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, hỗ trợ nguồn lực xây dựng các mô hình điểm về văn hóa, xã hội ở 48/63 tỉnh, thành phố. Đồng thời tổ chức 76 lớp tập huấn, 25 hội nghị, hội thảo về các vấn đề xã hội, dân số, gia đình với sự tham gia của trên 8.200 lượt cán bộ Hội các cấp và hội viên nông dân. Tổ chức 14 cuộc mít- tinh, hội thi về phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn vệ sinh lao động, an toàn giao thông, thực hiện kế hoạch hoá và phòng, chống bạo lực gia đình với sự tham gia của hàng chục nghìn hội viên, nông dân. Trung ương Hội cũng đã phối hợp tổ chức 75 cuộc truyền thông cho trêm 15.600 lượt hội viên nông dân, duy trì hiệu quả hơn 30.000 tổ, nhóm, Câu lạc bộ nông dân hoạt động về dân số, KHHGĐ, an toàn vệ sinh lao động...
Trong năm vừa qua, Trung ương Hội Nông dân đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Nghị quyết liên tịch về tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015. Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông về nước sạch và bảo vệ môi trường, về kỹ thuật xây dựng nhà vệ sinh, thu gom xử lý rác thải, về biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho hơn 5000 cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng thành công 27 mô hình điểm về thu gom rác thải...
Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh
Thực hiện phong trào thi đua nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, năm 2011, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền, lực lượng công an, quân đội tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chủ động tổ chức cho hội viên tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm cả số lượng, chất lượng và vận động con em nông dân thực hiện nghĩa vụ quân sự đạt chỉ tiêu giao quân hàng năm.
Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổng kết chương trình phối hợp “Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển, hải đảo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ biên giới tổ quốc giai đoạn 2006- 2010”; phối hợp với Bộ Công an tổng kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2002-2010 và ký kết nghị quyết liên tịch giai đoạn 2011-2015; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung- Tây Nguyên và tiếp tục đề ra những biện pháp đẩy mạnh công tác phối hợp trong thời gian tới.
Các cấp Hội cũng đã chủ động phối hợp với ngành công an, các ngành liên quan xây dựng các tổ tự quản đồng thời là tổ an ninh, hòa giải ở thôn xóm; phát động toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng các mô hình về phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, tích cực cung cấp thông tin liên quan đến an ninh, tội phạm cho cơ quan chức năng xử lý. Tại các địa bàn biên giới, Hội Nông dân các cấp đã phát động nhiều phong trào nông dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo và tham gia lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng “Điểm sáng vùng biên”, chống di cư trái phép, các tổ đoàn kết bám biển…
Thông qua phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, hội viên nông dân đã cung cấp hàng ngàn tin có giá trị giúp cơ quan Công an xử lí nhiều vụ việc và cảm hóa, giáo dục hàng ngàn người lầm lỗi, vận động hàng trăm người phạm tội đầu thú, tự báo, đồng thời xóa hàng trăm tụ điểm phức tạp.
Từ những phong trào thi đua của nông dân đã và đang mang lại những kết quả tích cực, giúp đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được nâng lên. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhiều ngôi nhà tầng mới mọc lên bên những rặng tre xanh của thôn xóm.