Nhà khoa học trẻ được trao giải "Green Talents"

 7696 lượt xem
Vượt qua hơn 300 nhà nghiên cứu trẻ đến từ 58 quốc gia, tiến sĩ Phạm Văn Quân, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, là một trong 20 nhà khoa học được vinh danh tại giải thưởng quốc tế Green Talents (Tài năng xanh). 

 Những nghiên cứu của anh trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững luôn gắn với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.

Tốt nghiệp khoa Môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Phạm Văn Quân về giảng dạy tại ĐH Kiến trúc Hà Nội. Hơn 10 năm qua, TS Phạm Văn Quân luôn trăn trở trước vấn đề môi trường Việt Nam ngày một xuống cấp và sự đe dọa của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Anh tâm sự: “Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu mà tất cả các quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. Đặc thù địa hình, vị trí Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, tôi đã chọn ý tưởng tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam”.
 
Hai dự án “Phát triển hệ thống sử dụng nước cân bằng tại Hà Nội nhằm đáp ứng sự biến đổi khí hậu” và “Quản lý hệ thống nước sông Hương và TP.Huế” đã được ban giám khảo cuộc thi Green Talents đánh giá cao về sự hiểu biết và quản lý thành phố một cách toàn diện, tập trung vào mối liên hệ giữa nước và năng lượng. Nghiên cứu của Phạm Văn Quân chỉ ra các điểm yếu cũng như sự mất liên kết trong những hệ thống tại đô thị, là giải pháp hỗ trợ cần thiết cho các thành phố đang phát triển nhanh tại châu Á.
 
Tiến sĩ Phạm Văn Quân (trái) nhận giải Green Talents - Ảnh: nhân vật cung cấp. 
 
Tiến sĩ Quân không chỉ quan tâm đến biến đổi khí hậu. Các đề tài nghiên cứu của anh còn gắn với đô thị, con người, môi trường, kiến trúc đô thị. Đặc biệt, anh có niềm đam mê với… rác thải.
 
Nhà khoa học trẻ và đồng nghiệp đã đề xuất với Bộ Công thương triển khai dự án chế tạo thiết bị phân loại rác tự động. Nhờ thiết bị này, tất cả các loại rác sau khi thu gom, có thể phân loại thành các sản phẩm có thể thu hồi, tái chế để tận dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động lớn lên các bãi rác.
 
Đa phần ý tưởng khoa học của tiến sĩ Phạm Văn Quân đều đến từ thực tiễn. Từ tâm tư nguyện vọng giải quyết vấn đề bức xúc trong xã hội, tiến sĩ Phạm Văn Quân đã đề xuất đưa vào giảng dạy bộ môn Thảm họa trong khu vực đô thị. Tiến sĩ Quân bộc bạch: “Khi tôi sang Nhật du học, tháng đầu tiên chúng tôi được tập huấn khi xảy ra động đất, biện pháp đầu tiên là tắt thiết bị điện, bếp gas, sau đó chui xuống gầm bàn và ở yên đó, chứ không phải như ở Việt Nam, khi có vài dư chấn xảy ra, người dân ở các tòa nhà đổ xô ra ngoài đường, ảnh hưởng động đất có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Hay như trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội, về bản chất nguyên nhân là do mưa nhưng có đến 22 người chết do điện giật, thụt hố ga, ngạt trong ô tô… Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục, tránh được những thảm họa trong cuộc sống nếu biết những giải pháp cơ bản. Đó là lý do chúng tôi muốn bổ sung thêm một môn học mới giúp người dân có thêm kiến thức ứng phó với thảm họa tự nhiên và thảm họa nhân tạo”.
 
Với mong muốn người dân được sống trong môi trường trong sạch, để có thể đảm bảo sức khỏe, tiến sĩ Phạm Văn Quân vẫn ấp ủ nhiều dự định trong nghiên cứu phát triển quy hoạch hệ thống rác, thoát nước thải ở nông thôn; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành xây dựng... Năm nay, TS Lê Văn Quân sẽ sang Đức 3 tháng tiếp tục nghiên cứu và triển khai ý tưởng của mình. 
 
Đã có 55 nhà nghiêm cứu trẻ nhận giải
Green Talents là cuộc thi do Bộ Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức (BMBF) tổ chức. Năm 2011 là năm thứ 3 BMBF tổ chức cuộc thi quốc tế hướng tới đối tượng là nhà nghiên cứu trẻ hoạt động tích cực trong lĩnh vực phát triển bền vững. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc... cũng có tên trong danh sách trao giải. Các đề án được lựa chọn là những dự án về môi trường toàn cầu có tính khả thi cao với chủ đề xoay quanh sự tăng nhiệt toàn cầu, sự thiếu hụt năng lượng và ô nhiễm môi trường. Tính đến nay đã có 55 nhà nghiên cứu trẻ được nhận giải Green Talents, mở rộng mạng lưới trao đổi nghiên cứu giữa 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. 
 
 

 

 
Ý kiến của bạn