So với “tầm” của một xã điểm, trụ sở làm việc của UBND xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) khá tuềnh toàng, chật chội, cũ kỹ.
Tiếp chúng tôi tại hội trường nhỏ của xã, ông Nguyễn Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã nói: “Trụ sở của chúng tôi được xây dựng từ năm 1978, tuy đã khá cũ kỹ, nhưng vẫn còn sử dụng được. Do đó, khi T.Ư chọn Hải Đường làm xã điểm NTM, chúng tôi đã xác định ngay, phải làm các hạng mục khác trước, nhất là ở ngoài đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp, rồi mới vén dần vào làng, sau đó đến xã”.
Trụ sở UBND xã Hải Đường đang được xây dựng.
Mặc dù đã huy động được gần 71 tỷ đồng sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, nhưng hiện Hải Đường mới bắt đầu khởi công xây dựng trụ sở UBND mới. “Đã có nhiều đoàn đến đây thăm quan, thắc mắc với chúng tôi, sao không xây ủy ban trước để họp hành cho rộng rãi, chúng tôi đều trả lời rằng cái quan trọng nhất vẫn phải là đầu tư vào những công trình tạo thu nhập cho người dân trước đã, còn trụ sở ủy ban phải làm sau cùng” - ông Tuần chia sẻ.
Với cách làm đó, Hải Đường đã nạo vét được 52.438m kênh mương, đắp được 5.790 đường trục chính nội đồng. Tính đến nay, Hải Đường đã chi hơn 16 tỷ đồng để đầu tư 7 dự án hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó có các dự án nạo vét sông, xây dựng đường giao thông, cống phục vụ sản xuất. Hải Đường cũng dành một phần kinh phí để hỗ trợ người dân trong việc học nghề, qua đó giải quyết việc làm cho tới 1.820 lao động với mức lương 1 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập trung bình của người dân ở Hải Đường từ 7,5 triệu đồng (2008) đã tăng lên 15,83 triệu đồng/người (2011).
Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Nam Định đang triển khai xây dựng 10 xã điểm NTM trên tổng số 209 xã toàn tỉnh. Chúng tôi đã thống nhất quan điểm với các xã phương châm: Làm từ đồng ruộng vào làng, làm từ xóm lên xã, xã chủ động xây dựng các công trình chính của xã, các thôn xóm chủ động vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm. Các hộ dân tự lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của gia đình”.