Mô hình sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường bền vững ở Yên Bái

 8094 lượt xem
Ở xã miền núi Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mô hình kinh tế trang trại rừng – ao - chuồng trên cơ sở bảo vệ môi trường bền vững của gia đình anh Phạm Ngọc Hoàng được xem là hướng đi tích cực, cần được nghiên cứu để nhân rộng với các địa phương có rừng đầu nguồn. 

 Tìm được cách làm thích hợp

Hồng Ca là một xã miền núi còn khó khăn, người dân sống dựa vào lâm nghiệp là chính. Đây là điều kiện để xây dựng mô hình kinh tế trang trại bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường.
 
Chàng trai trẻ Phạm Ngọc Hoàng đang chăm sóc đàn nhím.
 
Mô hình kinh tế rừng - ao - chuồng phát triển dựa vào nguồn lực tự nhiên (như đất đai, ao hồ có sẵn) để nuôi, trồng các loại cây, con khác nhau nên vừa có thể tận dụng các nguồn thức ăn các loại tại chỗ, giảm chi phí đầu tư vừa bảo vệ môi trường tự nhiên một cách bền vững bằng cách trồng rừng, phủ xanh, giữ nước…
 
Gia đình anh Phạm Văn Hoàng ở xã Hồng Ca có 5ha rừng, được phủ xanh bằng các cây lấy gỗ lâu năm như cây mỡ, cây quế. Tuy nhiên, gia đình anh không tập trung khai thác nguồn lợi từ các loại gỗ này mà quan tâm tới việc giữ rừng để bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp. 
 
Nhận thấy ao hồ được cung cấp bằng nguồn nước sạch, dồi dào, ổn định từ rừng đầu nguồn, anh Hoàng đã quyết định cải tạo lại ao hồ của gia đình để đầu tư phát triển ba ba, vốn là một số loại thủy sản cao cấp, cho giá trị kinh tế cao.
 
Suy nghĩ của chàng trai trẻ đã được bố mẹ động viên, giúp đỡ về công sức và một phần vốn. Anh đã vay mượn thêm bạn bè, người thân nguồn vốn để đầu tư cải tạo khoanh nuôi hơn 200m2 ao nuôi ba ba. Sau 3 năm diện tích được khoanh nuôi được tăng lên hơn 500m2. Anh Hoàng nuôi thử nghiệm hơn 20 cặp ba ba. Ngoài ra, anh cũng đầu tư nuôi thêm 4 cặp nhím để bán con giống và làm thương phẩm. Chỉ sau 1 năm, anh Hoàng đã có gần 100 cặp ba ba.
 
Ưu điểm của mô hình rừng - ao - chuồng của gia đình anh Hoàng là lấy ngắn nuôi dài, kết hợp các loại thức ăn có sẵn tại chỗ, tận dụng nguồn phế thải của các loại vật nuôi khác nhau làm thức ăn nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư lại vừa bảo vệ môi trường tự nhiên. Trồng rừng để đảm bảo nguồn nước cho ao hồ, chống sụt lở, xói mòn, những cây rừng lâu năm chỉ khai thác tỉa một phần nhỏ để bán lấy gỗ. Còn ở những nơi thấp có thể trồng một số cây lương thực ngắn ngày như sắn, ngô để cho nuôi cá, nhím và gia súc khác.
Ngoài ra, cá trong ao hồ còn dùng để làm thức ăn cho ba ba trong những thời điểm thức ăn khan hiếm và giá cao. Hiện nay, gia đình anh Hoàng nuôi 200 cặp ba ba trưởng thành, năm 2011, gia đình anh thu được gần 200 triệu đồng tiền lãi từ việc bán ba ba giống và thương phẩm. Với 5.000 m2 diện tích ao hồ tự nhiên, anh Hoàng thả cá, mỗi năm cũng thu được từ 40 - 50 triệu đồng tiền lãi. 
 
Đặc biệt, nhím là loại đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, gia đình anh Hoàng đang nuôi 12 cặp nhím, số lãi thu về trên 500 triệu đồng (từ năm 2006 tới 2011).
 
Cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương 
 
Bà Lê Thị Nga, mẹ anh Phạm Ngọc Hoàng cho biết: Sau khi học hết cấp 3, Hoàng không thi đỗ đại học như mong muốn. Trong khi nhiều bạn bè anh bỏ quê lên thành phố làm ăn, Hoàng lại về quê làm kinh tế gia đình với những ấp ủ làm giàu của tuổi trẻ trên mảnh đất nghèo của quê hương mình. Chàng trai trẻ nhận thấy tiềm năng đất rừng của quê hương  nhưng việc khai thác nguồn lợi này khá là đơn điệu, lạc hậu và kém hiệu quả.
 
Mô hình kinh tế trang trại rừng – ao – chuồng kết hợp với bảo vệ môi trường của anh Hoàng được thực hiện từ năm 2006, được xem là một trong những mô hình của thanh niên trẻ thực hiện thành công, tiêu biểu của địa phương.
 
Anh Hoàng bên ao cá của mình. 
 
“Điều đặc biệt là không chỉ làm giàu cho mình mà anh còn đem kiến thức, kinh nghiệm của mình để truyền đạt, hướng dẫn cho nhiều bà con nhân dân trong xã cùng làm giàu như mình”, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca Phạm Xuân Toàn nói về chàng Bí thư Chi đoàn thôn Hồng Hà như vậy.
 
Những kinh nghiệm làm ăn của bản thân đã được anh Hoàng chia sẻ với bạn bè trong những buổi sinh hoạt đoàn không chỉ thu hút được sự chú ý của được nhiều các đoàn viên trong thôn, xã mà còn nhiều bà con khác cũng tham gia tìm hiểu. Anh Hoàng đã đứng ra hướng dẫn về kĩ thuật, con giống, giúp bao tiêu về nguồn tiêu thụ, thị trường…
 
Trong gần 2 năm, anh Hoàng đã giúp đỡ 06 mô hình nuôi ba ba và 12 mô hình nuôi nhím sinh sản của thanh niên và bà con địa phương như gia đình đoàn viên Vũ Ngọc Ánh, chú Nguyễn Văn Thắng… là những người đầu tiên mạnh dạn làm theo, ban đầu đã cho hiệu quả.
 
Có thể khẳng định, việc nuôi nhím, ba ba của anh Phạm Ngọc Hoàng và một số bà con nhân dân tại xã Hồng Ca không phải là mới nhưng lại được phát triển song song với việc bảo vệ môi trường tự nhiên thì lại là điều không phải ai cũng làm. Đây được xem là một cách làm hiệu quả, tích cực cần được nhân rộng tại địa phương”, Phó Chủ tịch xã Phạm Xuân Toàn cho biết thêm.
 
 
Ý kiến của bạn