Nông dân Đắk Lao vượt khó làm giàu

 8526 lượt xem
Những năm qua, trên địa bàn xã Đắk Lao (Đắk Mil) ngày càng xuất hiện nhiều điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ đã mạnh dạn mở các cơ sở sửa chữa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương. 

Cơ sở sửa chữa cơ khí Cường Thịnh do anh Võ Đình Cường làm chủ nhiều năm nay không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương. Được biết, sau khi học xong lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ước mơ học tiếp của anh phải “đứt gánh” giữa chừng. Vừa đi làm phụ giúp gia đình, vừa nhận thấy nhu cầu sửa chữa máy móc của người dân trên địa bàn lớn nên anh đã đăng ký theo học nghề sửa chữa cơ khí. Sau thời gian đào tạo, vì chưa có kinh phí nên ban đầu anh chỉ mở một tiệm cơ khí nhỏ tại nhà để sửa chữa. Dần dần, bằng việc đúc rút kinh nghiệm, cộng với số vốn dành dụm được, anh Cường đã quyết định đầu tư thêm để mua máy móc, thiết bị về phục vụ cho việc sửa chữa. Hàng tháng, để có phụ tùng, thiết bị máy móc sửa chữa cho khách hàng, anh đều phải lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để lấy hàng. Riêng đối với một số phụ tùng “hiếm”, anh phải vào tận TP.Hồ Chí Minh để lấy về phục vụ nhu cầu của người dân. Điều đặc biệt là khi giá cả các trang, thiết bị máy móc tăng lên thì các xưởng cơ khí khác cũng đồng loạt tăng giá liên tục, nhưng ở cơ sở cơ khí của anh Cường vẫn lấy giá tiền rất phù hợp. Bởi, theo anh thì điều quan trọng là cơ sở phải giữ được chữ “tín” đối với bà con trong vùng. Cũng chính vì điều đó mà cơ sở sửa chữa cơ khí của gia đình anh luôn thu hút được rất nhiều khách hàng. Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở cơ khí của anh cũng thu về trên 350 triệu đồng. Không những đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo, có của ăn, của để mà trong thời gian qua, cơ sở của anh Võ Đình Cường còn tạo công ăn, việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Cường bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng, làm giàu không khó, điều quan trọng là mỗi người phải có bản lĩnh, dám nghĩ, giám làm, vượt qua mọi khó khăn thì thành công sẽ đến”.

 
 
Cơ sở sửa chữa cơ khí của anh Võ Đình Cường mang lại thu nhập ổn định.
 
Cũng có “điểm xuất phát thấp”, nhưng sau nhiều năm cần cù lao động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Nguyễn Hà Thông, ở thôn 11B, xã Đắk Lao đã vươn lên làm giàu. Với số vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 10 triệu đồng, năm 2002, anh Thông đã quyết định mua hơn 200 cây quýt về để trồng tại vườn nhà. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên hầu hết những cây quýt anh mua về trồng đều còi cọc và kém phát triển. Trước tình hình đó, anh đã tự tìm hiểu qua sách báo, cũng như tích cực tham gia những buổi tập huấn do các đoàn thể tổ chức nên dần dần đã tìm được biện pháp trồng và chăm sóc phù hợp. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn quýt của gia đình anh phát triển tốt và hàng năm đều cho thu hoạch khá cao. Không chỉ dừng lại ở đó, với số tiền thu được từ vườn quýt anh vừa đầu tư mở rộng diện tích trồng quýt, vừa đầu tư vào chăn nuôi heo nên gia đình anh luôn có thu nhập khá ổn định. Năm 2011, với 2,5 ha trồng quýt, 160 con heo, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn thu về trên 400 triệu đồng. Anh Thông cho biết: “Phương châm của gia đình tôi là trồng nhiều cây, nuôi nhiều con để nếu lỗ chỗ này còn bù chỗ kia. Với lại, trong quá trình sản xuất gia đình tôi luôn đảm bảo đúng kĩ thuật nên chưa năm nào bị lỗ vốn cả. Nếu cứ theo đà thuận lợi thế này, những năm tới tôi sẽ đầu tư mua thêm rẫy để trồng cà phê, cao su”.
 
Theo Hội Nông dân xã thì địa phương hiện đã có trên 720 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Có được kết quả đó một phần là do trong những năm qua, Hội Nông dân xã cũng đã phát động nhiều phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để bà con trên địa bàn cùng thi đua, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Mặt khác, Hội thường xuyên phối hợp với Trạm khuyến nông mở những mô hình sản xuất thí điểm, nhằm giúp các hội viên nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách khoa học hơn. Ông Nguyễn Bá Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Lao cho biết: “Trong những năm tới, Hội sẽ tiếp tục phát động nhiều phong trào nữa để các hội viên hội nông dân ngày càng phát huy được vai trò của mình trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
 
 
Ý kiến của bạn