Hiến đất làm đường đã thực sự trở thành phong trào được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, phục vụ lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Trong việc xây dựng đường giao thông để phục vụ đời sống và đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nhân dân ở nhiều địa phương đã tự nguyện hiến đất để mở rộng các con đường. Phong trào hiến đất làm đường giao thông đang được nhân rộng ở nhiều nơi.
Gia đình bà Phạm Thị Tằm ở thôn An Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà) tự nguyện
hiến 30m2 đất để xây dựng tuyến đường WB3.
Chỉ trong 4 tháng cuối năm 2011, xã Thăng Long (Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã làm được 7 km đường bê-tông trục chính nội đồng. Bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, toàn bộ chiều dài các tuyến đường trục chính nội đồng đã được bê-tông hóa trong thời gian ngắn. Trước đây, đường ra đồng phục vụ sản xuất ở xã Thăng Long bị xuống cấp. Việc đi lại, vận chuyển nông sản còn nhiều khó khăn, bất cập. Vận dụng chính sách hỗ trợ làm đường giao thông của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân tự nguyện hiến một phần đất, đóng góp kinh phí, công sức để xây dựng đường mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên nhiều hộ dân hăng hái tự nguyện hiến đất. Ông Bùi Đức Dùng, cán bộ văn phòng UBND xã cho biết: “Hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến một phần đất gần mặt đường để cho con đường rộng hơn, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trung bình mỗi hộ dân hiến 5-7 m2 đất nông nghiệp”. Bây giờ đi vào các cánh đồng trong xã bằng những con đường bê-tông rộng 3 m, dày 20 cm, thẳng tắp và sạch sẽ, việc đi lại, vận chuyển, canh tác đã tiện lợi rất nhiều so với trước.
Năm 2011, xã Thanh Hải (Thanh Hà) triển khai giải phóng mặt bằng để làm 1,8 km đường WB3 từ thôn An Liệt đến đường 390. Nhiều hộ dân có đất thổ cư mặt đường cũng đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng, sân, vườn để hiến đất. Chính quyền xã Thanh Hải có quy định: Nếu diện tích đất cần giải tỏa để phục vụ xây dựng đường nhỏ hơn 10 m2 sẽ vận động người dân hiến đất và nếu lớn hơn 10 m2 xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Quy định như vậy nhưng gia đình bà Phạm Thị Tằm ở thôn An Liệt đã tự nguyện hiến 30 m2 đất mà không nhận tiền hỗ trợ. “Xã vận động hiến đất, tôi hưởng ứng ngay. Có đường mới, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn”, bà Tằm cho biết.
Trong năm 2011, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã huy động nhân dân hiến đất làm đường như: Minh Đức (Tứ Kỳ), thị trấn Nam Sách, Thất Hùng (Kinh Môn), Phượng Hoàng (Thanh Hà), Quang Minh (Gia Lộc)... Năm nay, nhiều xã, thị trấn cũng có chủ trương vận động nhân dân hiến đất khi xây dựng đường giao thông. Hiến đất làm đường đã thực sự trở thành phong trào được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần quan trọng để các con đường mới hoàn thành trong thời gian ngắn, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định, phục vụ lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Người dân được tham gia vào các công việc chung, tính dân chủ ở địa phương được phát huy tốt. Đây là một cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Những kinh nghiệm quan trọng nhất ở các địa phương đã động viên đông đảo nhân dân tham gia hiến đất làm đường là gì? Qua tìm hiểu, nhiều lãnh đạo xã, thị trấn và người dân đều khẳng định rằng, trước tiên, chủ trương, chính sách xây dựng đường giao thông phải nhắm vào những yêu cầu bức thiết nhất, đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân. Đó là những con đường đã xuống cấp, đi lại khó khăn, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Khi có chủ trương làm đường mới, người dân sẵn sàng hiến đất, góp kinh phí, công sức để cùng Nhà nước xây dựng. Trong khâu thực hiện phải phát huy tốt dân chủ. Nhân dân phải được tham gia thảo luận, bàn bạc cụ thể về diện tích, vị trí hiến đất, mức đóng góp tiền của, được giám sát thi công… Khi người dân đồng lòng nhất trí, việc thực hiện sẽ thuận lợi. Mặt khác, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện trước để quần chúng noi theo.