Trà Ôn: Quê nghèo hiếu học

 9346 lượt xem
Khi gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, chuyện đầu tiên họ nghĩ đến là xoay xở cách nào để các con lại được tiếp tục đến trường, tiếp tục học cao hơn. Nợ nần không đáng sợ bằng cảnh nhìn các con nghỉ học. Đó chính là nền tảng, là cái vốn quý nhất đã hình thành nên một cộng đồng hiếu học ở những vùng quê nghèo khó của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. 
Hội Khuyến học xã Tân Mỹ quan tâm từng ngày đến trường của các em.
 
Khi nghe tôi có ý định tìm hiểu về phong trào xây dựng gia đình hiếu học ở huyện Trà Ôn, chú Từ Hoàng Đương- Chủ tịch Hội Khuyến học huyện giới thiệu ngay, chỉ cần xuống xã Tân Mỹ trước đi, là có bao nhiêu chuyện để viết. Và thật ngạc nhiên, cũng thật cảm phục, tôi được gặp mặt những người cha, người mẹ đã hết lòng lo con cái ăn học. Lo đến khi trong nhà vét không còn hột gạo, nói chi đến chuyện tiền bạc và cảm động khi có những em biết cha mẹ không tiền nên cũng không dám hỏi. Có em đi xe đạp từ Cần Thơ về tận quê nhà, có em đi làm thêm cho các quán ăn, quán nước… Các em cắn răng chịu cực, chịu khổ cùng cha mẹ và cũng không ít lần nhịn đói để kiên trì đi qua 4 năm đại học. Và cũng vô cùng cảm phục khi có rất nhiều người hãnh diện vì… thiếu nợ, để lo cho các con ăn học.
 
Tôi đến UBND xã Tân Mỹ sớm hơn theo lời hẹn. Chú Đoàn Văn Lụa- Chủ tịch Hội Khuyến học xã còn đang ở bên Trường THCS Tân Mỹ. Ngày đầu tiên vào học sau đợt nghỉ tết khá dài, chú lo lắng sẽ có nhiều em bỏ học. Và hội đã bàn với nhau, hôm sau sẽ ra quân đi vận động từng nhà quyết “giành giật” để từng học sinh được tiếp tục đến trường, đến lớp. Không nề hà tuổi cao hay tốn kém, chú Ba Lụa dành hết tâm huyết cho chuyện học hành của con em trong xã. Cũng bởi vì chính chú thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, khi nhà nghèo phải nuôi con ăn học.
 
Tân Mỹ là một xã nông thôn vùng sâu của huyện Trà Ôn, lại là nơi tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống, được xem là xã nghèo so với các địa phương khác. Nhưng từ những chương trình 134, 135 của Chính phủ, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, đã từng bước thay đổi hẳn đời sống kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên hơn cả chính là tinh thần hiếu học đã trở thành truyền thống gia đình đang lan tỏa trong cộng đồng mà chú Ba Lụa là một trong rất nhiều gương điển hình của huyện. Ruộng vườn không có bao nhiêu, nhưng cả 4 người con của chú đều ăn học thành tài: Đoàn Thanh Tú- kỹ sư cơ khí; Đoàn Tố Như- Đại học Sư phạm; Đoàn Thị Thúy- Thạc sĩ Sinh học; Đoàn Bá- kỹ sư cơ khí. Khi các con đã có việc làm ổn định, vợ chồng chú Ba cũng không còn phải lo lắng như xưa, giờ lại tiếp tục chăm lo cho những gia đình khác, để sao cho tất cả các em dù khó khăn cũng không bỏ học giữa chừng.
 
Riêng đoạn ngắn chừng vài cây số cặp theo con kinh Trà Mòn, đếm sơ sơ đã có hơn chục em đã tốt nghiệp đại học, có cả thạc sĩ, có người còn được du học bên Nhật, làm việc với công ty nước ngoài. Trong số đó không ít những gia đình vẫn còn thiếu nợ dài dài. Nhưng lạ một điều là cả người thiếu nợ, lẫn người cho mượn nợ đều rất vui, rất hãnh diện vì các con của họ đã làm giàu tri thức bản thân từ chính nỗ lực vượt lên sự nghèo khó của gia đình. Câu chuyện cảm động của 2 “ông bạn” hàng xóm: Phạm Văn Bột và Nguyễn Văn Truyền. Chú Truyền kể: “Hồi mấy đứa con tôi đi học, thiệt tình nó khổ mà ngóc đầu hổng nổi, nên khi dừa của anh Bột hái bán bao nhiêu tôi đều mượn hết”. Chú Bột lại ngắt lời: “Vậy mà sau đó tụi nhỏ tôi đi học, muốn mua chiếc xe đạp cũng phải qua mượn nợ lại anh Truyền, thiệt tình là tới giờ vẫn còn nợ ảnh chưa trả hết”. Rồi cả 2 người cười ngất, những nụ cười sảng khoái, ấm áp tình cảm, pha lẫn sự rạng ngời hãnh diện vì đàn con đã ăn học thành tài. Mỗi gia đình họ có 4 người con, thì có đến 7 người tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó có một người không học đại học là vì chấp nhận nghỉ học đi may để phụ giúp cha mẹ lo cho các em. Riêng gia đình chú Nguyễn Văn Truyền vừa cất xong căn nhà rất đẹp, khang trang. Chú khoe: “Cũng nhờ tụi nhỏ làm có tiền biết lo lại cho cha mẹ”.
 
Gia đình thầy Thạch Ngọc và cô Thạch Thị Ni.
 
Tất cả những gia đình hiếu học đó rất đáng nể phục, nhưng có dấu ấn sâu đậm đối với tôi, chính là gia đình thầy Thạch Ngọc và cô Thạch Thị Ni. Cả hai đều đã mấy mươi năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhà có… một thẻo đất nhỏ, vừa đủ nuôi thêm mấy con gà, mấy con vịt. Để nuôi cả 4 con trai học đại học, có lúc thầy hiệu trưởng Thạch Ngọc phải… làm mướn đủ thứ, ai thuê gì làm nấy, miễn sao có thêm nguồn thu nhập để nuôi các con ăn học. “Không có đất đai, tài sản nào bằng tri thức học hành của các con”- đôi vợ chồng của “Gia đình nhà giáo có hai thế hệ” này khẳng định chắc nịch. Có điều đáng trân trọng hơn, là hiện gia đình họ rất khó khăn, cô Thạch Thị Ni vì sức khỏe yếu phải nghỉ hưu sớm năm 2010, nên không được hưởng chế độ thâm niên, giờ phải gồng mình nuôi một đứa con đang học Đại học Sư phạm Cần Thơ và một đứa con út đang học Đại học Sài Gòn ngành Luật; trong khi thầy Thạch Ngọc vẫn gánh đủ thứ “chức vụ” của công tác xã hội. Gia đình thầy Thạch Ngọc có 14 anh em thì có 10 người làm trong ngành sư phạm rồi. Còn 2 người em gái sống bên cạnh cũng có con đang học đại học. Thật sự khó thể tưởng tượng nổi trong cái xóm ấp nghèo heo hút này, mà “đụng” nhà nào, cũng nghe họ khoe con mình học đại học.
 
Những người hãnh diện vì… thiếu nợ để lo cho con ăn học.
 
Chú Ba Lụa cho rằng: “Cứ sau mỗi kỳ nghỉ lễ, tết là chúng tôi lại lo ngai ngái. Khi gia đình khó khăn các em rất dễ nghỉ học nếu cha mẹ không có quyết tâm. Phần sau kỳ nghỉ, các anh chị từ các khu công nghiệp về lại lôi kéo các em mình theo đi làm kiếm tiền”. Trà Ôn là huyện có phong trào khuyến học, khuyến tài rất mạnh. Nó bắt nguồn từ truyền thống hiếu học trong gia đình và mạnh lên nhờ sự kết hợp với những đoàn thể, luôn quan tâm, “giành giật” từng em học sinh được đến trường, đến lớp. Từ đó đã lan tỏa dần ra từng xóm ấp, từng gia đình để dần hình thành nên một cộng đồng hiếu học ở Trà Ôn.
 
 
Ý kiến của bạn