Mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả

 8223 lượt xem
Với suy nghĩ, là người nông dân phải sống và làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Bùi Đức Rõ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhữ Hán (Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã bắt đầu xây dựng mô hình VAC từ những năm 90 (thế kỷ XX). Không ngừng học hỏi, ông đã tích lũy được vốn kiến thức trong nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó đem lại thu nhập cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã học tập và làm theo mô hình kinh tế của ông. 
Mô hình nuôi trồng thủy sản “hai trong một” của ông Nguyễn Huy Ngư thôn An Thịnh, xã Nhữ Hán (Yên Sơn).

Ông Rõ “chung thân” với nghề nuôi cá từ năm 1995 đến nay. Ruộng “hai trong một” mà ông nghĩ ra đã tạo được bước chuyển mới đối với nghề nuôi cá ở đây. Trên ruộng 2 vụ có diện tích 1,2 mẫu, ông để một vụ trồng lúa, 1 vụ để nuôi cá. Ông đắp bờ ruộng cao hơn chừng 3m, sau đó xây kiên cố bờ ruộng, từ bờ ruộng xuống mặt ruộng cùng với cống thoát nước. Ruộng được cấy bắt đầu cấy từ vụ xuân, trước khi thu hoạch vụ xuân khoảng 1 tháng, ông bơm nước và thả cá có trọng lượng khoảng 3-5 lạng/con vào ruộng. Sau khi thu hoạch cá, ruộng được tháo nước chuẩn bị cho vụ lúa xuân tiếp theo. Nuôi cá trong ruộng rất có hiệu quả bởi tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm ngày công lao động. Cụ thể, giảm được lượng lớn thức ăn nuôi cá và công chăm sóc cá. Đối với trồng lúa, không mất công làm đất và bón phân trong quá trình phát triển của cây lúa.

Đến nay, có khoảng 10 hộ thôn An Thịnh nơi ông ở đã học và làm ruộng “hai trong một” theo ông Rõ. Ông Nguyễn Huy Ngư, người dân An Thịnh phấn khởi cho biết: Tôi đầu tư 30 triệu đồng để kiên cố bờ ruộng từ năm 2005 và đây là sự đầu tư đúng. Ruộng chia làm 1 ô to, 1 ô nhỏ trên diện tích 5 sào. Ô nhỏ để nuôi cá giống thả vào ô to. Nhờ chủ động được giống, giảm các chi phí trong nuôi cá, trồng lúa, hàng năm, từ cá và lúa gia đình thu được từ 80 đến 90 triệu đồng. Ông dự kiến kiên cố bờ của 3 sào nữa để mở rộng quy mô của mô hình này.
 
Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi cá, ông Bùi Đức Rõ còn thử sức đối với nhiều loại thủy sản khác như ba ba, lươn. Qua phương tiện thông tin đại chúng, ông thấy ba ba là loại thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2009, ông lặn lội vào tận miền Nam mua giống. Mới đây, ông thả thêm bèo tây vào ao để nuôi lươn. Ông chia sẻ, để nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, vệ sinh  phòng bệnh trong thức ăn, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất. Đối với ông, việc nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình kinh tế luôn làm ông thích thú. Hiện nay, ông còn nuôi thêm o¬ng mật. Hàng năm, từ mô hình kinh tế tổng hợp này, ông thu được trên 1 trăm triệu đồng.
 
Ông Bùi Đức Rõ cho biết thêm, mô hình nuôi trồng thủy sản của xã Nhữ Hán nhiều. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông sẽ tích cực tuyên truyền để nhiều người dân xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản như ông đã làm. Đặc biệt là cách nuôi cá trong ruộng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân đúng, phù hợp với mục tiêu chọn thế mạnh để phát huy trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
 
Ý kiến của bạn