Trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 nêu lên, vấn đề nào cũng được nhấn mạnh bằng cụm từ trước hết là hoặc nhất là. Cụ thể như sau:
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.
Vấn đề thứ nhất: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...
Vấn đề thứ hai: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương...
Vấn đề thứ ba: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị... Ở vấn đề thứ ba này, nếu theo lô-gic thông thường thì nội dung sẽ là: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa cá nhân với tập thể lãnh đạo, nhất là giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nhưng ở đây, trong mối quan hệ giữa tập thể với cá nhân, khâu mắc nhất cũng là khâu trọng yếu nhất phải giải quyết ngay chính là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, cho nên nghị quyết đã đặt thẳng vấn đề này mà không phải dùng cách nhấn mạnh nữa.
Vậy là, về mặt chính trị, tư tưởng và đạo đức, việc chống suy thoái được đặt ra chung cho cả cán bộ, đảng viên, nhưng trước hết phải là cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp. Bởi vì, đã suy thoái thì dù là cán bộ hay đảng viên cũng đều có hại, nhưng suy thoái của cán bộ thì tác hại gấp nhiều lần so với đảng viên, cán bộ càng cao thì tác hại càng lớn. Nếu nói một cách công bằng, thì cho đến nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cộng với tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp chứ không phải đảng viên nói chung, mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.
Về mặt xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, có thể nói cán bộ cấp nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là cấp trung ương. Bởi cấp trung ương là cấp chiến lược, là cấp hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách cho cả nước, là cấp lãnh đạo và quản lý vĩ mô, mỗi chủ trương và chính sách đúng hay sai đều có tác động trực tiếp đến sự thành hay bại. Ðó còn bởi trên thực tế, đội ngũ cán bộ cấp trung ương chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ cho đến nay, mới được tập trung thực hiện ở cấp địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ...
Về mặt phương thức và phong cách lãnh đạo, do không xác định rõ thẩm quyền và chế độ trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, nhất là giữa người đứng đầu với cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cho nên khi có thành tích thì ai cũng lãnh phần cho mình, khi có sai sót, khuyết điểm thì đùn đẩy cho nhau, không ai chịu trách nhiệm; trong công việc thì vừa có hiện tượng sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, dẫn đến tắc trách hoặc ngược lại, lạm dụng quyền hành để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Ba vấn đề cấp bách Hội nghị Trung ương 4 nêu lên cho việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là rất đúng và trúng. Hệ thống giải pháp đề ra là toàn diện và có tính khả thi. Cán bộ và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng. Vấn đề hiện nay là làm sao sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Bí quyết thành công là ở chỗ đã nói là làm, làm như đã nói, không nói nhiều làm ít, cũng không nói khác làm khác, không nói cho người khác làm mà bản thân mình thì không làm.
Trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, lần này Trung ương rất coi trọng sự gương mẫu của cấp trên. Tự phê bình và phê bình phải được sử dụng như một vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong hệ thống giải pháp đề ra, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên được đặt ở hàng đầu. Theo đó, những việc cụ thể phải làm trong tự phê bình và phê bình được nêu lên trước hết cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; tiếp đó là cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Ðảng; sau nữa là cho các đồng chí ủy viên các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp.
Có nghĩa là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải làm từ trên xuống, cấp càng cao càng phải nghiêm, càng phải gương mẫu. Trên có chính, dưới mới yên. Kiểm điểm không phải để đấy mà là để sửa, để làm cho công việc tốt hơn.
Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, nói: "Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức mạnh và uy tín thì Ðảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Ðảng để tự giác làm. Từng cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tránh xa mọi cám dỗ, về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại".
Về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư cũng nói: "Mỗi người hãy học tập và làm theo ngay việc này đi, không tốn tiền tốn của gì cả, càng không phải chờ cơ chế chính sách nào hết; chỉ miễn sao trong lòng chúng ta trong sáng; thật lòng vì nước, vì dân, vì Ðảng; thật sự là người cộng sản".