Đức Thọ: Hiến đất làm đường, xây trường học

 8848 lượt xem
Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng vùng nông thôn mới (NTM) ở huyện lúa Ðức Thọ (Hà Tĩnh) đang được triển khai mạnh mẽ. 

Thi công tuyến đường liên xã Trung Lễ - Đức Lâm.

Thành công bước đầu là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Hơn 1.200 hộ dân đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất.

Chuyện hiến đất
 
Ðầu năm, dù bận nhiều việc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ðức Thọ Trần Hoài Ðức vẫn dẫn chúng tôi "mục sở thị" những điển  hình hiến đất xây dựng NTM. Trên đường xuống Trung Lễ,  nơi có 137 hộ dân hiến gần 30.000 m2 đất, trị giá nhiều tỷ đồng, đồng chí Ðức cho biết: Trung Lễ được chọn là một trong năm xã điểm của huyện xây dựng mô hình NTM. Là xã thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí mới là "bài toán" hóc búa đối với Ðảng bộ, chính quyền nơi đây. Chủ tịch UBND xã Trung Lễ Nguyễn Hữu Thọ bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: Theo lộ trình xây dựng NTM, địa phương phải bắt tay vào xây dựng tuyến đường trục chính cấp 5 xuyên qua trung tâm xã, có chiều dài 5,3 km, tổng mức đầu tư 58 tỷ đồng. Trong lúc tiền ngân sách chỉ đủ làm phần nền và mặt đường, còn xã phải tự giải phóng mặt bằng và nhân công, khoảng 10 tỷ đồng. Theo tính toán, chỉ 2,5 km đầu tiên của tuyến đường này đã "ngốn" 30.000 m2 đất ruộng. Với đơn giá đền bù như hiện nay, từ 50 đến 60 triệu đồng/sào thì số tiền phải bỏ ra để hỗ trợ người dân là khá lớn mà Trung Lễ khó có thể kham nổi.
 
Về xóm 2, chúng tôi đã có câu trả lời cho những thắc mắc của mình: Tại sao ở một vùng quê mà diện tích đất canh tác không nhiều nhưng đã làm được điều kỳ diệu? Anh Trần Công Bình ở xóm 2, tâm sự: "Khi cán bộ xã,  các tổ chức đoàn thể liên tục đến tận nhà vận động hiến ruộng để làm đường, suốt cả tuần, tui và vợ nhẩm tính, nếu hiến hai sào ruộng sẽ mất đứt gần trăm triệu bạc... Sau nhiều đêm trằn trọc, bình tâm trở lại, hai vợ chồng tính toán, với tám sào ruộng, mỗi năm  thu nhập gần năm tấn lúa, nếu hiến đi hai sào, mỗi năm mất hơn một tấn lúa. Nếu chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống lúa năng suất cao và phẩm cấp gạo ngon có thể bù được. Hơn nữa, có cả trăm hộ tự nguyện hiến đất cho tuyến đường này, tại sao gia đình mình lại không chịu thiệt thòi một chút để đóng góp cùng làng xã ?!".
 
Xóm trưởng xóm 2 Phạm Hồng Quang cho biết thêm cách giải quyết những vướng mắc: Ban đầu, không dễ gì tìm được sự đồng thuận ngay của người dân, thành ra, địa phương phải tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân thấy được lợi ích của tuyến đường mà cả cộng đồng, từng gia đình được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Trung Lễ đã linh động bố trí đất công cho những hộ bị thu hồi đất có nhu cầu tiếp tục canh tác và hỗ trợ 10 triệu đồng/sào cho những gia đình tự nguyện hiến đất. 
 
Cũng như Trung Lễ, ở xã Thái Yên đã thu hút được sự tham gia tích cực từ phía người dân. Tuy nhiên tại làng nghề mộc truyền thống này, mật độ dân số lại dày đặc, mỗi tấc đất như mỗi tấc vàng thì câu chuyện làm thế nào để người dân tự nguyện hiến đất không phải là chuyện dễ. Thái Yên cũng phải mở rộng tuyến đường trục liên xã  nối cụm CN-TTCN làng nghề với xã Ðức Thịnh dài 6,6 km, trong đó đoạn qua xóm 2 hơn một km có 22 hộ bị ảnh hưởng. Xóm trưởng xóm 2 Nguyễn Viết Hoành cho biết,  sau khi được tuyên truyền và người dân hiểu rõ chủ trương mở rộng đường giao thông liên xã để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,  đã có không ít hộ  bày tỏ việc hiến đất nằm trong phạm vi xây dựng dự án. Cũng có một vài trường hợp như gia đình ông Nguyễn Công Hộ có đôi chút băn khoăn. Sau khi đo đạc diện tích bị ảnh hưởng, ông đòi bồi thường 12 m2 diện tích bị thu hồi. Sau nhiều lần tổ chức nhiều cuộc họp xóm và mời những người có uy tín trong dòng họ, một số gia đình khác chưa thông tư tưởng cùng dự họp để phân tích, thuyết phục, gia đình ông Nguyễn Công Hộ và một số gia đình chưa thông đã dần thấu hiểu và tự nguyện hiến đất. 
 
Ở Thái Yên có 64 hộ đã hiến hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp và 87 hộ hiến 2.400 m2 đất ở cùng công trình trên đất, trị giá gần chục tỷ đồng. Trong đó, gia đình anh Nguyễn Công Học xóm 4 hiến 20 m2 đất ở và tài sản trên đất, với giá trị 114 triệu đồng; Nguyễn Viết Dương xóm 1 hiến 25 m2 đất ở và đất vườn, giá trị hơn 90 triệu đồng; anh Nguyễn Trọng Dũng và Nguyễn Viết Sỹ đều ở xóm 2, mỗi nhà hiến gần 50 m2 đất cộng với tài sản trị giá gần cả trăm triệu đồng/hộ...
 
Xã miền núi Ðức Lạng là đơn vị dẫn đầu huyện Ðức Thọ trong hiến đất làm đường giao thông với 319 hộ tham gia hiến 29.636 m2 đất cùng tài sản trên đất, giá trị hàng tỷ đồng. Ðiển hình là gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng (xóm Tân Quang) đã hiến hơn 1.000 m2 đất, dỡ hơn 100 m rào và phá hàng nghìn cây keo hai năm tuổi mà không có bất cứ đòi hỏi gì. Anh Thắng còn bộc bạch "Ngày xưa ông cha chúng tôi đã sẵn sàng phá dỡ nhà mình để làm đường cho xe qua, chẳng lẽ thế hệ trẻ như chúng tôi lại không biết phát huy đạo lý cao đẹp đó". Tính ra, với diện tích đất gần 1.000m2 ấy cộng với giá trị tài sản trên đất, gia đình anh Thắng đã hiến tặng khoảng 50 đến 70 triệu đồng, với gia đình điều kiện còn khó khăn như anh Thắng, đây là một nghĩa cử cao đẹp. Phong trào hiến đất xây dựng giao thông nông thôn ở Ðức Lạng không chỉ thu hút được sự tham gia của nhiều hộ  dân trong xã mà còn có sức lan tỏa ra các địa phương khác. 
 
Khi lòng dân đã thuận
 
Trao đổi kinh nghiệm về vận động người dân tự nguyện hiến đất xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Ðức Lạng Lê Văn Hiệp cho biết, sau khi duyệt quy hoạch, địa phương đã mời tất cả các hộ có liên quan đến GPMB, hiến đất lên UBND xã để nghe nguyện vọng và tìm hiểu những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai. Sau khi phân tích cho các hộ dân thấy được những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, chính quyền và người dân cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ðể tăng cường hiệu quả tuyên truyền, xã Ðức Lạng đã quán triệt vận động cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất, tháo dỡ tài sản... nhờ đó chủ trương hiến đất xây dựng giao thông nhanh chóng được thẩm thấu vào nhận thức của người dân. Tuy nhiên việc đem hàng trăm m2 đất hiến không cho cộng đồng, đối với một số bộ phận người dân, là điều không dễ dàng, thêm vào đó, do vị trí đất của các gia đình chịu ảnh hưởng khác nhau nên muốn tạo ra được sự đồng thuận không phải là việc ngày một ngày hai. Trưởng thôn Tân Quang Trần Văn Trở cho rằng, để thuyết phục được các hộ dân hiến đất, các đoàn thể, mặt trận trong thôn đã hòa mình vào mọi hoạt động của người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Làm việc cùng bà con, ra đồng cùng bà con chính là cách thức tiếp cận tốt nhất để vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước... 
 
Chủ tịch UBND xã Thái Yên Nguyễn Viết Báu cho biết: Thực tiễn quá trình vận động nhân dân hiến đất xây dựng NTM không phải lúc nào cũng "xuôi chèo, mát mái". So với mặt bằng chung của huyện thì Thái Yên là một trong những địa phương có giá đất tương đối cao, vì vậy để người dân tự giác hiến đất là cực kỳ khó khăn. Cụ thể, việc nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã, nối khu CN - TTCN làng nghề với xã Ðức Thịnh, trục đường cũ chỉ rộng khoảng 2,5-3m, nên khi mở rộng nền đường ra 8m đã ảnh hưởng đến hầu hết số diện tích đất ở của các hộ dân bám đường. Tính theo giá trị đất tại thời điểm làm đường, trung bình đất có giá trị ba đến bốn triệu đồng/m2, có những gia đình bị ảnh hưởng 20 đến 25 m2 đó là chưa kể đến giá trị tài sản phải tháo dỡ. Sau khi có nghị quyết của HÐND xã, chính quyền thông báo rộng rãi chủ trương xây dựng đường giao thông tới bà con. Chúng tôi đã mời các hộ liên quan đến trao đổi, đối chất về hiện trạng đất, số diện tích đất liên quan cũng như tuyên truyền, vận động người dân để họ thấy được những lợi ích khi mở rộng tuyến đường giao thông này. Nhờ tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với người dân, dựa trên những nguyên tắc dân chủ, chia sẻ, có lợi cho người dân và huy động sự vào cuộc của các thành phần trong xã hội, dựa vào sức mạnh của nhân dân, dùng dư luận xã hội để phản biện lại những ý kiến trái chiều nên hầu hết bà con đã đồng hành với chính quyền, tự nguyện tháo dỡ công trình, nhường đất xây dựng công trình phúc lợi.  Riêng những hộ kiên quyết đòi đền bù, chúng tôi cử cán bộ địa chính đến đo đạc, xác định nền đường cũ; so sánh đối chiếu bìa đất và diện tích đất hiện có để có biện pháp thu hồi số đất lấn chiếm hoặc truy thu tiền thuế đất. 
 
Thành công bước đầu xây dựng NTM ở Ðức Thọ là sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền đến người dân; từ sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc hiến đất. Bên cạnh đó, huyện kịp thời tổ chức vinh danh những cán bộ, đảng viên, các  hộ tiêu biểu đã hiến tặng nhiều diện tích đất cùng tài sản trên đất trị giá nhiều tỷ đồng... Thời gian tới, để  xây dựng NTM thành công, Ðức Thọ sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng những điển hình trên. Sau hơn một năm xây dựng NTM, 27/27 xã của huyện đã thẩm định xong quy hoạch xây dựng NTM cùng đề án xây dựng NTM và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Xã Tùng Ảnh đạt 16/19 tiêu chí NTM; Thái Yên đạt 11/19 tiêu chí. 27 xã đã đổ cột mốc chỉ giới quy hoạch giao thông NTM.
 
Bí thư Huyện ủy Ðức Thọ Nguyễn Văn Quý cho biết: Cuộc sống của người dân huyện lúa dù còn khó khăn, nhưng với truyền thống hào hiệp của miền quê La Giang, họ sẵn sàng tự nguyện hy sinh quyền lợi riêng của từng gia đình để làm cho  quê hương  đổi mới. Ðó là "chìa khóa" để Ðảng bộ và chính quyền Ðức Thọ thực hiện thành công chủ trương lớn của Ðảng xây dựng NTM.
 
 
Ý kiến của bạn