Trong tiết trời xuân se se lạnh, anh Phạm Thế Cầu, nông dân sản xuất giỏi vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình tại thôn Bình Sơn - xã Văn Tiến - thành phố Yên Bái. Mô hình của gia đình anh hiện phát triển quy mô lên rộng hơn 10 ha, cho thu nhập cao. Đồng thời, anh còn giúp cho hàng chục gia đình nông dân trong và ngoài xã cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Phạm Thế Cầu (áo trắng) đang giới thiệu với khách tham quan về vườn chanh tứ thời.
Đi trên những triền đồi rợp bóng mát cây ăn quả trong vườn nhà, anh Phạm Thế Cầu - xã Văn Tiến – thành phố Yên Bái cho biết: Năm 1988, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương tham gia lao động sản xuất, tài sản lớn nhất chỉ có vẻn vẹn 0,3 ha vườn tạp, bùn đất sình lầy. Sản xuất vẫn dựa theo phương pháp truyền thống cũ nên năng suất thấp, thu nhập không cao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, anh Cầu đã tích cực tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi trong xã và ngoài tỉnh. Đồng thời tích cực học hỏi, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2005, gia đình anh Cầu tiến hành nắn dòng chảy, tạo mương nước chảy qua vườn nhà, cải tạo đất canh tác. Tổng diện tích canh tác của gia đình anh hiện đã lên tới 10 ha. Trong đó, đối với những khu đồi cao, anh hiện trồng được 6 ha keo Úc, Trám ghép, khu đồi thấp trồng chè giống mới.
Các tầng đất thấp, anh tiến hành canh tác các loại cây ăn quả, như bưởi Đoan Hùng, nhãn Đại Thành, hồng Đà Lạt, vải Thanh Hà, Thanh Long lõi đỏ. Đặc biệt là giống chanh tứ thời có xuất xứ từ Đà Lạt cho quả quanh năm. Cây chanh tứ thời hiện là giống cây chủ lực mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Tận dụng những vùng đất trũng, anh Phạm Thể Cầu cho đắp bờ, xây ao nuôi trồng thủy sản hiện có diện tích 2.200 m2. Anh mạnh dạn đầu tư phát triển các con giống đặc sản như nuôi ba ba, nuôi ếch, các loại cá trắm cỏ, chép lai. Trong dịp đầu xuân mới này, anh Cầu còn mạnh dạn thí điểm chăn nuôi 5 con Đà Điểu thương phẩm. Anh Phạm Thế Cầu – xã Văn Tiến – thành phố Yên Bái tâm sự: “Sau nhiều tìm tòi, tôi quyết định tập trung đầu tư phát triển cây chanh tứ thời. Giống cây này rất phù hợp với đồng đất của xã và cho thu nhập cao. Bởi cây chanh tứ thời là giống cây mới ở Yên Bái, cho lượng quả lớn. Đồng thời có khả năng phát triển trở thành 1 loại cây cảnh mang giá trị thẩm mỹ cao. Trong vườn hiện có tổng số trên 1.000 cây chanh tứ thời. Năm vừa qua, tôi xuất bán được 10 tấn chanh thương phẩm, 3.000 cành chanh giống và 400 cây chanh làm cảnh được thị trường hào hứng đón nhận”.
Năm 2011 vừa qua, gia đình anh Cầu còn xuất bán được gần 1.000 quả bưởi Đoan Hùng, 800 kg hồng Đà Lạt, nhãn Đại Thành là 1.500 kg. Chè tươi xuất bán được 8.000 kg và 500 kg thanh long lõi đỏ. Diện tích ao nuôi cho thu hoạch 600 kg cá các loại. 2 ha đồi rừng đã cho thu hoạch với giá trị 280 triệu đồng. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình anh Phạm Thế Cầu trong năm 2011 đạt 510 triệu đồng. Số tiền lãi này chia bình quân đạt mức gần 1,4 triệu đồng/ngày. Bà Hà Thị Thanh Hiền – Chủ tịch Hội nông dân thành phố Yên Bái nhận xét: “Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó tiêu biểu nhất là mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của hội viên nông dân Phạm Thế Cầu – thôn Bình Sơn – xã Văn Tiến. Anh Cầu đã mạnh dạn đưa vào nuôi trồng, thử nghiệm nhiều loại giống cây con đặc sản. Hiện nay, gia đình anh đang rất thành công với việc phát triển cây chanh tứ thời. Ngoài ra, anh Cầu cũng tích cực tham gia các hoạt động công tác hội, hỗ trợ các hội viên khác cùng vươn lên làm giàu. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp điển hình của hội viên Phạm Thế Cầu đang được chúng tôi tiến hành nhân rộng trên toàn địa bàn”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Cầu còn tích cực hỗ trợ bà con trong và ngoài địa phương cùng vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Cầu hiện giải quyết việc làm ổn định cho 13 lao động. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2010 – 2011 đã có 700 lượt người tới thăm quan và được anh Cầu chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. 80 hộ được anh Cầu trực tiếp cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật phát triển cây chanh tứ thời. Ông Trần Mạnh Cường – Chủ tịch UBND xã Văn Tiến – thành phố Yên Bái còn cho biết thêm: “Anh Phạm Thế Cầu là một điển hình nông dân đã biết vượt qua khó khăn chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho mình và bà con làng xóm. Khu đất của gia đình anh vốn rất sình lầy, heo hút, không ai nhận canh tác. Với ý chí quyết tâm cao, sự sáng tạo, anh Cầu đã biến mảnh đất này trở thành vùng đất trù phú, mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Với những kết quả đã đạt được, anh Phạm Thế Cầu – thôn Bình Sơn – xã Văn Tiến – thành phố Yên Bái nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Năm 2009, anh Cầu được UBND tỉnh tặng bằng khen, là đại biểu tiên tiến tham dự Đại hội thi đua điển hình tiên tiến tỉnh Yên Bái. Năm 2010, được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm giai đoạn 2005 – 2010. Trong những ngày đầu xuân mới 2012 này, anh Phạm Thế Cầu được Hội nông tỉnh Yên Bái đề nghị Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi giai đoạn 2006 – 2011 và dự hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc sắp được diễn ra trong thời gian tới.