Thành lập và tổ chức thành công Ðại hội lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2011-2016). Chặng đường 10 năm hoạt động Hội Khuyến học tỉnh Sơn La đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Phong trào khuyến học phát triển rộng khắp, nhiều mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học... xuất hiện, góp phần thúc đẩy xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Ðại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La gặp mặt thân mật các nhà giáo, thầy thuốc, văn nghệ sĩ ưu tú... nhân kỷ niệm10 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh.
Khi Sơn La mới được giải phóng vào tháng 10-1952, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, hầu hết đồng bào các dân tộc còn mù chữ. Ngày 7-5-1959, Bác Hồ lên thăm Tây Bắc, nói chuyện với đồng bào ở huyện Thuận Châu, Yên Châu và Mộc Châu, đến đâu Bác cũng luôn căn dặn đồng bào phải thực hiện tốt xóa mù chữ, tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt. Thực hiện lời Bác Hồ dạy, hơn 50 năm qua, phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí trên mảnh đất Sơn La có sự đổi thay căn bản. Ðặc biệt, trong những năm đổi mới và mười năm trở lại đây, hoạt động khuyến học đã có tác dụng thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.
Hội Khuyến học ở Sơn La thành lập muộn hơn so với cả nước, nên có thuận lợi trong việc tiếp thu kinh nghiệm hoạt động. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc điểm một tỉnh miền núi biên giới nhiều dân tộc, trình độ dân trí còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn cho nên việc triển khai công tác khuyến học cũng không dễ dàng. Thành tích nổi bật trong mười năm qua của hội là đã hình thành nên mạng lưới tổ chức cơ sở rộng khắp trong cộng đồng dân cư tổ, bản, khu phố, cơ quan đơn vị và các gia đình, dòng họ,v.v. Ðến nay toàn tỉnh có 206 hội khuyến học xã, phường, thị trấn; 2.849 chi hội cơ sở. Sự xuất hiện của Hội Khuyến học tạo điều kiện để người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc học tập, khuyến khích mạnh mẽ phong trào thi đua học tập trong cộng đồng dân cư, trong các gia đình và dòng họ. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 83 trung tâm học tập cộng đồng năm 2004 tới nay đã có 198 trung tâm. Riêng các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Sốp Cộp, Mường La có 100% số xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Một việc làm có ý nghĩa là Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tổ chức cuộc tổng điều tra, khảo sát đánh giá tình hình học tập đến tận hộ gia đình. Kết quả khảo sát ở 3.233 bản, 199.125 hộ gia đình, với 1.023.653 người tham gia, đạt 94,72% số dân toàn tỉnh cho thấy sự nghiệp giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ðến nay, có 99.853 cháu đang học ở nhà trẻ, mẫu giáo; 301.803 người có trình độ tiểu học, 266.893 người trình độ THCS và bổ túc văn hóa cơ sở, 109.940 người trình độ THPT và bổ túc văn hóa THPT, 27.048 người qua đào tạo nghề, 14.470 người có bằng cử nhân, 487 thạc sĩ, 31 tiến sĩ. Tỷ lệ người chưa biết chữ giảm dần qua từng năm và chủ yếu còn ở trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Kết quả của các cuộc điều tra khảo sát đã giúp cho các ngành nghiên cứu tổng hợp hoạch định được kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Trong hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định, ban hành quy chế công nhận các danh hiệu, như: Gia đình hiếu học, khu dân cư hiếu học, dòng họ hiếu học, v.v. Tham mưu với HÐND tỉnh đưa chỉ tiêu gia đình hiếu học vào nghị quyết của HÐND tỉnh và trở thành chỉ tiêu thi đua hằng năm ở các cơ quan, đơn vị, tổ bản, khu dân cư. Ðể hoạt động có hiệu quả, Hội đã biên soạn cuốn "Sổ tay khuyến học" làm cẩm nang cho cán bộ khuyến học các cấp, nhằm tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Ðảng, Nhà nước về khuyến học, hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm.
Nhân rộng mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nêu các tiêu chí phấn đấu, đưa các tiêu chí đó vào hương ước, quy ước của bản, dòng họ. Vì vậy, phong trào đã phát triển rộng khắp, ở dân tộc nào, vùng nào cũng có những mô hình tiêu biểu. Trong đó, tiêu biểu có dòng họ Thào dân tộc Mông xã Long Hẹ, họ Lường dân tộc Thái (Thuận Châu), họ Ðiêu dân tộc Thái (Quỳnh Nhai), họ Nguyễn của chi hội đồng hương Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, v.v. Ðặc biệt, ở huyện vùng cao Bắc Yên, có dòng họ Hạng và họ Giàng dân tộc Mông thuộc xã Xím Vàng, Làng Chếu, Hang Chú, Háng Ðồng cách xa huyện hằng ngày đường đi bộ còn tìm đất, dựng lều bán trú, chu cấp gạo, muối cho con em ăn nghỉ tại huyện để học tập. Từ việc xây dựng phong trào khuyến học tốt, trong năm năm qua toàn tỉnh đã quyên góp, xây dựng quỹ hội được 15 tỷ 307 triệu đồng, thực hiện cấp học bổng, khen thưởng, trợ giúp cho 31.032 lượt học sinh và 3.972 giáo viên với số tiền là 13 tỷ 565 triệu đồng.
Trao đổi về hoạt động hội, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Luyến cho biết: Sở dĩ phong trào khuyến học thu được những thành công trên chính là nhờ tinh thần hiếu học của con em đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, mười năm qua, hội mới làm tốt công tác khuyến học, còn khuyến tài chưa làm được bao nhiêu. Trong nhiệm kỳ tới, hội sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài phát triển. Các chỉ tiêu do Ðại hội lần thứ 3 Hội Khuyến học tỉnh đề ra đã bám sát được nhu cầu học tập, sát với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong những năm tới của tỉnh.
Với những cố gắng lớn và thành tích mười năm xây dựng phát triển phong trào khuyến học, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La và Hội Khuyến học huyện Mộc Châu vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.