Hai ông già gác chắn đường tàu

 10392 lượt xem
6h sáng, tại đường ngang dân sinh băng qua đường sắt cạnh cầu Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) khá đông người qua lại. Từ xa, tiếng còi tàu hú lên. Một ông già đội nón, đeo khẩu trang thoăn thoắt chạy tới hạ cây tre ngăn người qua lại để đoàn tàu chạy qua an toàn. 

Sau đó, ông quay về ngồi ở cái ghế trước kiốt và ánh mắt luôn cảnh giới nhìn về hai phía đường tàu. 12h trưa, một ông già khác ra thay ca và tiếp tục gác chắn.

Hai ông già đó là hai anh em ruột, ông Nguyễn Văn Ca (69 tuổi) và ông Nguyễn Văn Đại (68 tuổi), nhà thuộc diện hộ nghèo ở tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Đã hơn một năm nay họ làm người gác chắn để đảm bảo tính mạng cho bà con an tâm mỗi lần qua lại.
 
Mỗi ngày, hai anh em ông Ca và ông Đại thay nhau gác chắn để người dân qua lại được an toàn. 
 
Một buổi trưa cách đây gần ba năm, chị Ngọc ở gần nhà ông Ca đi xe máy chở hai đứa con đến trường học qua con đường ngang này. Vì không nghe tiếng còi tàu nên khi chiếc xe máy vừa lao lên khỏi dốc, bánh trước mới chạm vào đường ray thứ nhất, thì từ xa một đoàn tàu lao tới vun vút. Tiếng còi inh ỏi. Ba mẹ con chị hoảng vía vứt xe chạy thoát, chiếc xe máy bị tàu kéo lê tới tận gần cầu Nam Ô, nát bét. Vài tháng sau, một sinh viên đang học ở một trường Đại học Đà Nẵng về nhà bạn chơi, khi chạy xe qua đoạn đường này đã bị tàu húc chết. Hai người dân ở Nam Ô khi đi lấy củi về cũng bị tàu cán chết tại đây. Ông Nguyễn Văn Đại nhẩm tính: “Cũng có bốn người chết, còn bị thương thì nhiều lắm”.
 
Đoạn đường này mỗi ngày có đến vài trăm người dân ở tổ 43, 45, 46 và 49 của phường Hòa Hiệp Nam qua lại, nhưng có độ dốc khá lớn, lại nằm sát với đường quốc lộ 1A, tiếng ồn lớn nên người đi đường không nghe được tiếng tàu hú còi. Một cán bộ ở phường Hòa Hiệp Nam cho biết tại điểm giao cắt này thường xảy ra tai nạn nhưng không đủ điều kiện để ngành đường sắt lập một gác chắn.
 
Tháng 4/2008, UBND quận Liên Chiểu quyết định thuê người cảnh giới ở đoạn đường này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân với khoản trợ cấp ban đầu là một triệu đồng. Và hai anh em ông Ca đứng đảm nhận trách nhiệm này.
 
“Tiền trợ cấp tuy ít nhưng trách nhiệm cao lắm. Xảy ra chuyện gì thì hai cái thân già này chắc cũng không gánh nổi. Hai anh em tui cũng vì đảm bảo an toàn cho bà con qua lại mà cố gắng làm thôi”, ông Ca tâm sự.
 
Hai ông già gác chắn tận tụy với công việc. 
 
Lịch gác chắn của hai anh em ông bắt đầu từ 5h sáng đến 19h mỗi ngày. “Theo lịch trực của những người gác chắn ngành đường sắt thì đến 17h là họ thay ca nhưng vì chờ cho bà con đi làm về hết nên anh em tui trực đến 19h”, ông Đại nói.
 
Tại gác chắn, UBND quận Liên Chiểu đã làm một kiốt để trú nắng, trú mưa nhưng lúc nào người đi đường cũng thấy họ ngồi ở phía ngoài và mắt luôn chăm chú quan sát về hai phía đường tàu.
 
Ông Ca giải thích: “Ở đây tàu chạy liên tục, người qua đường rất đông mà chúng tôi không có tín hiệu báo tàu sắp đến nên phải ngồi ngoài mà chờ tàu. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì ướt hết cả người, lạnh lắm”.
 
Bà Diệu, một người bán quán nước cạnh con đường ngang này nhận xét: “Hai anh em ổng rất có trách nhiệm với công việc. Ngày nào cũng như ngày nào, từ 5h sáng tới 7h tối họ đều có mặt để gác chắn. Từ khi có họ thì người dân qua lại an tâm hơn”.
 
Chỉ một ngày tết
 
Để có thời gian nghỉ ngơi và làm việc nhà, hai anh em ông Ca phân công người trực 10 buổi sáng, người kia trực 10 buổi chiều rồi sau đó đổi lại. Vào dịp Tết, trong lúc gia đình nào cũng đi chợ sắm sửa, đi thăm bà con nhưng hai anh em ông vẫn phải gác. Đối với họ, tết chỉ có một ngày duy nhất là vào ngày mùng một vì ngày đó tàu chạy ít.
 
“Ngày Tết, ngày lễ tàu chạy nhiều, bà con qua lại cũng khá đông nên hai anh em tui chỉ cho phép nghỉ vào ngày mùng một, từ ngày mùng hai là ra gác chắn rồi”, ông Ca nói.
 
Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Đại cho biết: “Ổng hay đau yếu lắm, nhưng chưa có khi nào ổng bỏ gác hết. Ổng nói mình đã nhận tiền của người ta thì đau ốm cũng phải làm, tính mạng bà con giao hết cho mình cả”.
 
Hai anh em ông Ca trước đây làm nghề đánh cá, đi củi, thợ hồ…, hiện gia đình thuộc loại nghèo nhất nhì phường Hòa Hiệp Nam. 12h trưa, sau khi “giao ca” cho người em, ông Nguyễn Văn Ca lật đật cầm túi nilông đựng đồ ăn mà ông gửi nhờ bà con đi chợ hồi sáng bước vội về nhà để nấu bữa trưa. Đã ba năm nay, bà Trần Thị Hoa, vợ ông bị liệt nên không thể nấu ăn, mọi việc bếp núc, chăm sóc nhà cửa đều do bàn tay ông quán xuyến. Ông có 5 người con, 3 đứa đã lập gia đình, giờ còn hai đứa con trai ở với vợ chồng ông nhưng không có việc làm.
 
Cuộc sống hai vợ chồng ông phụ thuộc vào đồng trợ cấp ít ỏi từ công việc gác chắn này. “Chừng đó cũng đủ cho vợ chồng tui trang trải qua ngày, lâu lâu bà con thấy thương biếu cho gói thuốc, hộp sữa thấy cũng vui. Tui biết sức mình còn làm được vài ba năm nữa”, ông Ca tâm sự.
 
Còn người em Nguyễn Văn Đại gia cảnh cũng chẳng khá giả gì hơn. Ông có hai người con đã lập gia đình, một đứa ở Hòa Khánh, một đứa ở cạnh nhà ông, sống bằng nghề bán buôn nhỏ nên thu nhập cũng khá thấp. Ông Đại bị cụt bàn tay trái do ông tự chặt đứt vào năm 1972 để trốn lính cho ngụy, thế nhưng sau mỗi ca trực ông lại cầm búa bửa củi giúp vợ con. “Hồi trước tui còn lên rừng đốn củi về bán, ra biển đánh cá. Giờ tuổi già nên làm không được nữa, không biết có còn sức để giúp bà con an tâm mỗi lần qua lại đoạn đường sắt này bao lâu nữa đây”, ông Đại trầm ngâm.
 
Cách đây không lâu, một người dân ở tổ 43 đi lấy củi về qua đoạn đường này đã bị tàu cán chết. Lúc đó khoảng 8h tối và nằm ngoài giờ gác chắn của hai anh em ông. Nhưng cái chết đó đã làm cho họ trăn trở. “Sau vụ đó anh em tui bảo nhau buổi sáng đến gác trước 5h, buổi tối nghỉ muộn vài chục phút để đảm bảo an toàn cho bà con”, ông Đại tâm sự.
 
 
Ý kiến của bạn