Một số suy nghĩ về công tác bình xét thi đua và khen thưởng hiện nay

 9138 lượt xem
Qua nghiên cứu quá trình phát triển của loài người, tất cả các chế độ xã hội đều có các hình thức thi đua, khen thưởng ở mức độ khác nhau. Dù ở hình thức nào cũng đều có chung mục đích là nhằm ghi nhận và động viên tập thể, cá nhân lao động tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Có thể nói, thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng to lớn đối với bất kỳ một quốc gia nào trong việc quản lý xã hội, phát triển kinh tế và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Ở nước ta, việc tôn vinh, khen thưởng đã trở thành truyền thống trong ứng xử của người dân Việt Nam. Phép ứng xử này được đúc kết thành tục ngữ, ca dao như “Một miếng giữa làng hơn một sàng góc bếp”, “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”... Việc khen thưởng không thể đo tính bằng lợi ích vật chất mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều lợi ích vật chất là tạo ra động lực tinh thần vô giá để khẳng định địa vị của một thành viên hay một tập thể đối với cộng đồng xã hội theo chuẩn mực xã hội nhất định.

Thi đua và khen thưởng là hai hoạt động có mối quan hệ biện chứng với nhau, làm tốt việc tổ chức phong trào thi đua sẽ chọn ra được những gương điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân xứng đáng để khen thưởng. Ngược lại, khen thưởng chính xác và kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương tốt cho xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, công tác, học tập, sáng tạo phát triển lên tầm cao mới, người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đề ra. Khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng không những có tác dụng động viên, thu hút nhiều người tham gia, giải quyết được các vấn đề khó khăn, bức xúc đặt ra mà còn giúp cho các đợt thi đua sau đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, góp phần đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, đẩy lùi cái ác và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
 
Hệ thống văn bản về công tác thi đua, khen thưởng của Nhà nước trong những năm gần đây không ngừng được hoàn thiện, giải quyết được những vướng mắc trong thực tế phong trào thi đua ở các đơn vị, địa phương. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, nhận thức sâu sắc vị trí và ý nghĩa của công tác này trong việc phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung tổ chức phong trào thi đua và bình xét khen thưởng có đổi mới. Việc bình xét khen thưởng diễn ra công khai, dân chủ, được tiến hành thường xuyên, động viên kịp thời tập thể, cá nhân vươn lên trong công tác, tiếp tục phấn đấu cao hơn. 
 
Tuy vậy, công tác bình xét thi đua và khen thưởng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác khen thưởng; khen thưởng tập trung vào lãnh đạo, ít quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; khen thưởng đột xuất, khen gương tốt, việc tốt chưa kịp thời; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến còn ít; việc tổ chức trao thưởng nhiều nơi còn tuỳ tiện, tổ chức linh đình gây lãng phí, tốn kém; nguồn kinh phí triển khai công tác thi đua, khen thưởng còn hạn hẹp; cán bộ thi đua, khen thưởng còn hạn chế về nhận thức và khả năng phát động phong trào thi đua, tham mưu đề xuất khen thưởng; Luật thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều vấn đề về bình xét khen thưởng trong thực tế chưa được quy định rõ, dẫn đến lúng túng khi triển khai.
 
Quy trình bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ở nhiều đơn vị, địa phương còn lúng túng, nhất là bình xét Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Lao động tiên tiến, công nhận đề tài, sáng kiến kinh nghiệm để bình xét Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua thành phố. Nhiều đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở, chưa xây dựng được quy chế hoạt động và tiêu chí thi đua nên dẫn đến tình trạng lúng túng trong phương pháp bình xét, khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, còn nể nang, nhường nhịn. 
 
Hầu hết các cơ quan, đơn vị khi bình xét thi đua hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều dựa trên cách đánh giá truyền thống, tức là từng cá nhân đọc nội dung công việc của tháng, quý, năm, trên cơ sở đó người đứng đầu các phòng (ban, tổ, đội, nhóm…) nhận xét, đánh giá kết quả công tác. Trên cơ sở nhận xét đó, đưa ra Công đoàn đánh giá rồi trình lên Hội đồng Thi đua, Khen thưởng của cơ quan, đơn vị đánh giá xếp loại. Rất ít cơ quan, đơn vị xây dựng được hệ thống các tiêu chí đánh giá được “lượng hóa” để thuận tiện cho việc đánh giá công việc hằng tháng, quý và năm. Do vậy, khi bình xét thi đua không tránh khỏi tính chủ quan. Cũng có một số cơ quan, đơn vị, việc bình bầu các tập thể, cá nhân xuất sắc trong tháng, quý, năm thực hiện theo chế độ luân phiên, tức là chia đều cho các tập thể và cá nhân, với ý nghĩ là “khen để động viên”. Cũng có không ít cơ quan đơn vị, việc bình bầu lại dồn tập trung vào một số cá nhân, chủ yếu là cá nhân lãnh đạo, với lý do chỉ có những cá nhân lãnh đạo mới “đủ tầm”, đối với người lao động trực tiếp thì để lại để “phấn đấu nhiều hơn nữa”. Do đó, xuất hiện tình trạng cá nhân nào được khen thưởng thì năm nào cũng được đề nghị, còn người khác dù có nỗ lực đến đâu cũng không được ghi nhận. Từ đó, xuất hiện tình trạng “sợ” bình bầu thi đua trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 
 
Một tình trạng phổ biến hiện nay, đó là tình trạng cán bộ thi đua, khen thưởng, chủ yếu là đội ngũ trẻ, được phân công theo dõi công tác này, từ việc đi tập huấn thi đua, khen thưởng, đến việc lập hồ sơ, thủ tục… nhưng lại không được phân công làm thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị. Từ đó, dẫn đến tình trạng người có kiến thức về thi đua, khen thưởng thì không được tham gia công tác bình xét, người có tiếng nói trong bình xét lại không có được sự hiểu biết đầy đủ về quy trình, tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Do đó, khi Hội đồng thi đua, khen thưởng họp để bình xét, ý kiến đánh giá, đề xuất khen tưhởng thường mang tính chủ quan. 
 
Chúng ta không phủ nhận rằng trong xã hội hiện nay, “bệnh thành tích” vẫn là một căn bệnh phổ biến, ăn sâu vào nếp nghĩ, hành động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Không ít người cần cái “danh” để thuận lợi hơn trong việc thăng quan tiến chức, trong việc khuếch trương hình ảnh cá nhân. Ranh giới mong manh giữa “danh” và “lợi” có thể bị xóa nhòa nếu họ đặt lợi ích vật chất lên trên hết. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, “chạy huân chương” hiện nay trong xã hội, được Đảng và Nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh.
 
Trong giai đoạn nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, hoà nhập với nền kinh tế thế giới, các giá trị so sánh giữa quyền lợi vật chất với động viên tinh thần, các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, sức ép về cạnh tranh kinh tế, lợi nhuận đã tác động mạnh mẽ vào công tác thi đua, khen thưởng, vào tổ chức, cá nhân tham gia thi đua. Có lúc, có nơi khen thưởng còn tràn lan, khen chưa đúng người, đúng việc, đúng thành tích, dẫn đến khen thưởng không có giá trị nêu gương, mà trái lại một số trường hợp còn gây phản cảm trong xã hội, gây ra dư luận bức xúc trong các tầng lớp nhân dân.
 
Những hạn chế trên đã làm cho công tác thi đua, khen thưởng không phát huy được vai trò là đòn bẩy trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước và địa phương, không phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Từ đó, làm nảy sinh những tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị và phát sinh những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 
 
Công tác thi đua và khen thưởng luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là hai nhân tố hữu cơ của quá trình thực hiện, đem đến hiệu quả chung là nâng cao năng suất lao động, công tác và học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Do đó, tìm ra những giải pháp đổi mới về công tác bình xét thi đua và khen thưởng hiện nay để khắc phục những mặt hạn chế, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 
 
Thành quả của tập thể là sự đóng góp của từng cá nhân gộp lại. Do vậy, ghi nhận, đánh giá đúng đóng góp của từng cá nhân là điều kiện tiên quyết để phát huy hơn nữa những mặt tiềm năng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, phát triển toàn diện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 
 
Ý kiến của bạn