BTĐKT - Sau 10 thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo thiết thực cùng các biện pháp, nội dung phù hợp với thực tế, Thái Nguyên đã gặt hái được nhiều thành tựu tích cực góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.
Từ phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tác động tích cực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt 19 tiêu chí; trong đó có 88 xã chiếm 61,5% được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48 xã so với năm 2015, cao hơn 2,3 lần so với khu vực Miền núi phía Bắc và cả nước. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,65 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 3 tiêu chí so với năm 2015. Không còn xã dưới 6 tiêu chí. Đặc biệt, Xã Vinh Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 9 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 12 xóm được công nhận đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu; 3/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được những thành tựu đáng kể đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện phong trào thi đua thuận lợi, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, như:
Hỗ trợ xi măng cho các địa phương trong xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hạ tầng khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại của người dân và phục vụ phát triển sản xuất; ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình kênh mương thủy lợi, đường giao thông; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới; triển khai dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn tạo bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp tập trung; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất …ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tuyên truyền về phong trào thi đua luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tổ chức triển khai, thực hiện với những nội dung và hình thức phong phú:
Toàn tỉnh đã tổ chức 20.389 hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên từ các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, cấp huyện đến xã, xóm với 1.370.603 lượt người tham gia; 497 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, trang thông tin điện tử nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên và trên một số cơ quan truyền thông của Trung ương; biên soạn, in, cấp phát trên 60.000 cuốn bản tin nông thôn mới, 360 pano cho 9 xãvà 9 xóm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 4.500 áp phích tuyên truyền về nông thôn mới đến tất cả các xóm trên địa bàn tỉnh; xây dựng các video tư liệu, phóng sự tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trò chơi truyền hình về xây dựng nông thôn mới để cổ vũ, khích lệ cán bộ, nhân dân hiểu và tham gia xây dựng nông thôn mới tích cực hơn.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng ứng sâu rộng. Trong đó, các sở, ban, ngành của tỉnh tích đã cực triển khai thực hiện phong trào thi đua thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; triển khai các chương trình liên kết, hỗ trợ nguồn lực để cải thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Các địa phương triển khai nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến là các cá nhân tích cực lao động, sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, đóng góp vật chất và công sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Cùng với các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, động viên các cấp, ngành cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được quan tâm kịp thời. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức khen thưởng phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” cho 4 tập thể được tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh; 95 tập thể và 57 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
Khen thưởng tổng kết toàn quốc phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020: Nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Nguyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 3 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 cá nhân, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 cá nhân.
Kết quả thực hiện phong trào thi đua đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và việc làm của nhân dân được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ sạch tiếp tục được đẩy mạnh.
Minh Hương