TĐKT - Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng đã đóng góp nhiều thành tựu to lớn cho công cuộc quản lý nhà nước ở trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, mở rộng hợp tác quốc tế.
Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến ngành Giao thông vận tải
Vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, thi đua XHCN vào hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Coi tổ chức thi đua yêu nước là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, biến nó thành sức mạnh, thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong bảo vệ Tổ quốc.
Những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác thi đua, khen thưởng chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Trước tình hình đó, ngày 3/6/1998, Bộ chính trị đã ra Chỉ thị về đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới. Trong đó, Đảng ta khẳng định rõ trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, trước những thời cơ và thách thức vô cùng to lớn, công tác thi đua, khen thưởng càng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi “thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây đựng con người mớí, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 35 - CT/TW của Bộ chính trị ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 39 - CT/TW về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Công tác thông tin, tuyên truyền tại các Bộ, ngành Trung ương đã đảm bảo chuyển tải kịp thời các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng, huy động nhiều lực lượng tham gia công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, không phô trương hình thức như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng duy trì chuyên trang, chuyên mục, chương trình gặp gỡ và đối thoại các điển hình tiên tiến; trên cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành Trung ương, trang thông tin điện tử của đơn vị; tuyên truyền của các đoàn thể quần chúng; thông qua các hội nghị, hội thảo, trao đổi, gặp gỡ, giao lưu những gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thông qua các hội thi tìm hiểu, tài liệu hỏi đáp, tài liệu, tuyên truyền, panô, áp phích với nội dung thiết thực ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với các đối tượng.
Phong trào thi đua yêu nước tại các Bộ, ngành Trung ương đã huy động được sức mạnh và khả năng sáng tạo của đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế những tiêu cực nảy sinh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các Bộ, ngành Trung ương đã tổ chức phát động, phối hợp tổ chức và duy trì nhiều phong trào thi đua chung sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”….; phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp”; phong trào “An toàn, vệ sinh lao động”… Nội dung thi đua thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị được giao nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đơn cử, các phong trào thi đua riêng như: Bộ Ngoại giao phát động phong trào “Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII”, phong trào thi đua “Năm APEC Việt Nam 2017 - Nâng cao hiệu quả phục vụ phát triển và hội nhập quốc tế”.
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức phong trào “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”; phong trào “Đi trước mở đường, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020”; phong trào thi đua “Ngành Giao thông vận tải chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 với các tiêu chí gắn kết với phong trào xây dựng và phát triển giao thông nông thôn - miền núi; phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, các phong trào hưởng ứng thực hiện “Năm an toàn giao thông”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Giao thông vận tải thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025; phong trào thi đua văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải theo phương châm “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông với chủ trương “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thi hành công vụ”, lĩnh vực An toàn giao thông với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; lĩnh vực hàng không “Chung tay vì những chuyến bay an toàn”, “Tăng tốc thay đổi – nhanh hơn – cao hơn”. Lĩnh vực xây dựng giao thông "Bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và an toàn"; lĩnh vực đường sắt "An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả"; lĩnh vực đường bộ “Bảo đảm an toàn giao thông, giữ đường thông suốt, an toàn, sạch đẹp”; địa phương “Xây dựng và phát triển giao thông nông thôn - miền núi”. Lĩnh vực khoa học công nghệ “Phát huy sáng kiến, cải tiến khoa học kỹ thuật, phát huy nội lực, sản xuất các sản phẩm mới, giảm bớt nhập ngoại”; lĩnh vực đào tạo “Dạy tốt – Học tốt”, “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; khối doanh nghiệp có phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.
Chính vì thế, kết quả thi đua cần có sự đánh giá đúng, thực chất và khách quan, có thưởng phạt kịp thời, rõ ràng để động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể tham gia vào phong trào thi đua. Vì vậy, Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã chỉ ra: “Làm rõ vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức - cán bộ của cơ quan tham mưu thi đua, khen thưởng, đổi mới nội dung và hình thức thi đua, khen thưởng...”
Để công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, cần phải có những giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần tập trung vào 6 giải pháp sau:
Thứ nhất, giải pháp đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế chính sách về thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương. Thực hiện chủ trương của Đảng về đối mới công tác thi đua, khen thưởng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm tạo hành lang pháp lý cần thiết cho các hoạt động thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Thứ ba, đổi mới tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương. Thực tế cho thấy, phong trào thi đua càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao. Cần có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức; đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thế, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời.
Thứ tư, đổi mới phương thức phối hợp giữa các cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương.
Thứ năm, đổi mới quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương.
Thứ sáu, đổi mới công tác bồi dưỡng, phát hiện, tuyên truyền các điển hình của Bộ, ngành Trung ương.
Lê Hoàng Yến