(TG) - Công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng năm 2020 đã có những điều chỉnh về quy mô, phương thức phù hợp với tình hình thực tiễn, được tổ chức theo hướng khoa học, linh hoạt hơn, vừa đảm bảo mức độ thông tin, vừa góp phần tạo ra sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.
Biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "Ánh sáng niềm tin"
TẠO SỰ LAN TỎA RỘNG KHẮP
Trong thời gian đầu năm, công tác tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục có bước phát triển mạnh, GDP tăng cao, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, phấn khởi. Từ cuối quý I cho đến nay, do tác động và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trước những yêu cầu về y tế, đảm bảo an sinh xã hội, công tác tuyên truyền được điều chỉnh, thay đổi về quy mô, phương thức, được tổ chức theo hướng khoa học, linh hoạt hơn, vừa đảm bảo mức độ thông tin, vừa góp phần tạo ra sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, những diễn biến mới trong tình hình quốc tế như chiến tranh thương mại, gia tăng cạnh tranh nước lớn, căng thẳng tại biển Đông… cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác tuyên truyền. Trong điều kiện thuận lợi và khó khăn đan xen, cho tới nay, công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Các sự kiện cấp quốc gia được tổ chức quy mô, có sức lan tỏa rộng khắp.
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 90 năm thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trang trọng, đã khẳng định những thành tựu vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong suốt 90 năm qua, khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thông qua các nội dung lễ kỷ niệm, đã góp phần củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về Bác Hồ và những thành tựu phát triển của đất nước.
Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp “Ánh sáng niềm tin” - gặp mặt, biểu dương các tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, tổ chức tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Hải Phòng, Côn Đảo và Vĩnh Long, đã khái quát những dấu mốc quan trọng quá trình hình thành và phát triển của Đảng, là lời ca về niềm tin, lòng dũng cảm, tôn vinh những tổ chức đảng và đảng viên đã quên mình đấu tranh trong chiến đấu, trong lao động sáng tạo, dựng xây đất nước, gợi lên hào khí trong cán bộ, đảng viên trước những yêu cầu mới của thời đại, của dân tộc.
Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” được tổ chức tại 5 điểm cầu Hà Nội, Tuyên Quang, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp đã ôn lại hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đóng góp và tư tưởng bất diệt của Người lan tỏa trong ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi công dân và cả dân tộc Việt Nam.
Các chương trình Cầu truyền hình trên đều được dư luận đánh giá tích cực về tính hấp dẫn, lan tỏa, mang nhiều ý nghĩa tư tưởng chính trị, có tính nghệ thuật cao.
Các hội thảo khoa học cấp quốc gia như Hội thảo kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng với chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” dù có sự thay đổi, tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy, với sự tham gia của các đại biểu, các nhà khoa học, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, sức lan tỏa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp nhằm làm sáng tỏ con đường cách mạng Việt Nam; tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng, phát triển đất nước trong bối cảnh, điều kiện cách mạng mới.
Các hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh… được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội, tỉnh Nghệ An, Long An… phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, khẳng định những di sản, đóng góp quý báu của các nhà cách mạng tiền bối cho sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước.
Sự tham gia đồng bộ của các lực lượng, binh chủng làm công tác tuyên truyền.
Các cơ quan báo chí đã xung kích, phát huy vai trò chủ lực, mở chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, tọa đàm tuyên truyền đậm nét về các sự kiện lớn, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần đưa các sự kiện lớn trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội. Các trang thông tin điện tử, fanpage, group, blog, tài khoản mạng xã hội… của các tổ chức Đảng, đoàn thể, đảng viên và nhân dân đã đăng tải, chia sẻ khối lượng lớn tin, bài liên quan, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh những gương “Người tốt, việc tốt”, những điển hình trong lao động, sản xuất, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã tạo hiệu ứng tích cực và làm lan tỏa mạnh những giá trị tốt đẹp, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng và quá trình phát triển, đi lên của đất nước.
Các hoạt động tuyên truyền có sự tham gia của đông đảo các bộ, ban ngành. Trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, đã có nhiều hoạt động được tổ chức như: Triển lãm “Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Một chặng đường vẻ vang”,“Mùa xuân vĩnh viễn” “Sách kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, Triển lãm chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam”; Trưng bày “90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”. Một số chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu, kết hợp tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật như: “Mùa xuân dâng Đảng” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Màu cờ tôi yêu” của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Lời ca dâng Đảng” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, “Ngàn hoa dâng Đảng” của Thành phố Hồ Chí Minh… Dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng triển khai đa dạng các hoạt động như: các triển lãm “Luôn có Bác trong tim”, “Tháng 5 nhớ Bác”, “Hồ Chí Minh - những nét phác họa chân dung”; các chương trình nghệ thuật “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”, “Tháng Năm nhớ Bác”, “Sáng mãi tên Người”…
Bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - biên niên sử truyền hình” gồm 90 tập do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng công phu với nội dung đồ sộ, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong một quá trình dài lịch sử, tổ chức sản xuất trên diện rộng trong và ngoài nước được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân từ ngày 4/2/2019 đến Đại hội XIII của Đảng; tuần phim kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm “Trăng đại ngàn”, “Trường Sơn có những cô bộ đội lái xe”, “Chim sắt ngày xưa”, “Đất gọi”, “Vầng sáng ngày xưa”… đã tạo ra nhiều cảm xúc và tin yêu trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bộ sách kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo gồm: “Tuyên giáo toàn cảnh - Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật”, “Thắp lửa niềm tin”, “Một số vấn đề về công tác dư luận xã hội”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới”… đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh, sâu rộng, phong phú, hữu ích về công tác tuyên giáo gắn với những chặng đường phát triển của Đảng và sự đi lên của đất nước.
Từ đầu năm đến nay, nhiều ban, bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các hội nghị báo cáo viên, hội nghị chuyên đề, hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng, hội nghị nội bộ Đảng đến tận cơ sở. Song song với đó là công tác phát hành các đề cương, ấn phẩm tuyên truyền, bản tin thông báo nội bộ... cung cấp thông tin về sự kiện và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thông qua sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ, cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Tính đồng bộ, hiệu quả trong phối hợp tuyên truyền giữa các lực lượng, binh chủng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, báo cáo viên, tuyên truyền viên; giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể… đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng mang giá trị lay động lớn, lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đổi mới, sáng tạo trong nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền có sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức theo hướng hiện đại hóa, vận dụng thành quả cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Các cuộc thi như thi trắc nghiệm trên mạng VCNET “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” đã thu hút trên 3,2 triệu lượt tham gia, trên 50 triệu lượt người truy cập tìm hiểu về lịch sử Đảng; Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” đã thu hút 1,4 triệu người đang ký tài khoản và 6,3 triệu lượt thi; Cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với thiếu nhi - thiếu nhi với Bác Hồ” đã có 75 nghìn bài thi viết, 3,7 triệu bài thi vẽ tranh và gần 700 nghìn bài thi trực tuyến đánh dấu mốc kỷ lục cuộc thi có nhiều bài viết từ trước tới nay do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức…
Một minh chứng rõ nét về sự đổi mới, sáng tạo là trong công tác tuyên truyền phòng chống đại dịch COVID-19, các phương thức tuyên truyền qua Internet, mạng xã hội đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều bài hát đã tạo nên sự lan tỏa lớn với nhiều phiên bản xuất hiện khắp thế giới dưới nhiều hình thức, sáng tạo khác nhau. |
LÀM TỐT 3 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Bối cảnh những thay đổi trong và ngoài nước, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã có tác động mạnh tới công tác tuyên truyền. Nhiều hoạt động tuyên truyền bị giảm quy mô, số lượng đại biểu và quần chúng tham gia không đảm bảo, dẫn đến một số hạn chế trong tương tác, cung cấp, phổ biến thông tin, đặc biệt là trong một số chương trình lớn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền ở một số ngành, địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên, nội dung, hình thức chưa phong phú, thiếu sáng tạo và hấp dẫn. Một số hoạt động tuyên truyền có lúc chưa kịp thời, chưa tạo sức lan tỏa và chưa thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Việc đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội cần tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Không thể phủ nhận rằng, thực tiễn khó khăn đã làm xuất hiện nhiều sáng kiến, cách làm mới trong công tác tuyên truyền như: kết hợp các kênh tuyên truyền truyền thống và hiện đại, phát huy các kênh tuyên truyền qua Internet, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua sự tham gia của từng cá nhân và mỗi người dân; tăng cường thực hiện việc họp, trao đổi thông tin, hội thảo… thông qua các hình thức trực tuyến góp phần giảm chi phí cũng như nâng cao khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tuyên truyền.
Từ nay đến cuối năm 2020 có nhiều nội dung “điểm nhấn” quan trọng, công tác tuyên truyền cần được rà soát, bám sát triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2020. Theo đó, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Thứ nhất, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tuyên truyền các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh. Tuyên truyền cập nhật kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Tích cực đăng tải, chia sẻ, lan tỏa các thông tin chính thống về diễn biến tình hình dịch bệnh, các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan chức năng trên Internet, mạng xã hội.
Tuyên truyền vận động các nguồn lực trong xã hội để chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị, đồng bào bị ảnh hưởng bởi đại dịch; trên cơ sở kinh nghiệm công tác tuyên truyền phòng, chống dịch thời gian qua, phát huy nhưng kết quả đạt được, áp dụng những mô hình tuyên truyền hiệu quả, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền. |
Thứ hai, tuyên truyền về Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; tuyên truyền kết quả, bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” tại
điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôn vinh các tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; biểu dương các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; các gương điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tuyên truyền kết quả nổi bật của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trên các lĩnh vực, làm rõ những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong tổ chức, phát động thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới. Tuyên truyền kết quả, thành công của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025.
Thứ ba, tuyên truyền về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. |
Tăng cường tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Tăng cường chỉ đạo tuyên truyền về những thành tựu phát triển của đất nước, của từng địa phương. Trong đó phải thể hiện được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước hiện nay; làm nổi bật lên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế... tuyên truyền đấu tranh, phản bác các luận điệu chống phá Đảng, qua đó nhân lên niềm tin và tạo động lực phấn đấu trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân./.
TS. Nguyễn Phú Trường
Ban Tuyên giáo Trung ương
http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-cac-ngay-le-lon-va-su-kien-lich-su-quan-trong-nam-2020-129844