Xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh): Phấn đấu xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình

 9047 lượt xem
Là xã miền núi, có nhiều hộ nghèo của huyện Ba Chẽ trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Thanh Sơn mới đạt 3/19 tiêu chí; 13/39 chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân xã Thanh Sơn đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đã đặt ra trong năm 2012 
Anh Nịnh Văn Năm, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ trao đổi với phóng viên về mô hình trồng nấm linh chi.

Xã Thanh Sơn hiện có 9 thôn với 351 hộ, 1.559 nhân khẩu, trong đó có 219 hộ nghèo, chiếm 63,2% và 71 hộ cận nghèo, chiếm 20,5%. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người trong xã mới đạt 3,5 triệu đồng/năm; sản xuất còn mang nặng tính tự cung tự cấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, huy động vốn trong nhân dân ít... Bên cạnh những khó khăn, Thanh Sơn cũng có nhiều tiềm năng để phát triển như: Quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, trang trại tổng hợp; hệ thống giao thông đến xã cơ bản thuận lợi, vì có tỉnh lộ 330 đi qua địa bàn, các tuyến giao thông kết nối với các xã, huyện, tỉnh bạn đang được nâng cấp, mở mới tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Xác định những khó khăn, thuận lợi đó cấp uỷ đảng, chính quyền xã đã tập trung cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng NTM phù hợp điều kiện địa phương để năm 2012 thực hiện tiếp các tiêu chí quy hoạch, xây dựng bưu điện, nhà văn hoá thôn đạt chuẩn… Thanh Sơn đề ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.      

Ngoài các cuộc họp giao ban hằng tháng để tuyên truyền và giao nhiệm vụ cho các đoàn thể, thôn xóm, xã còn tổ chức lớp phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng NTM cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hiện tại, cùng với việc phấn đấu hoàn thành quy hoạch theo chuẩn mới, xã Thanh Sơn đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm bê tông hoá đường trục xã, thôn, xóm, kiên cố hoá kênh mương…  Song song với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Thanh Sơn cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường sống trên địa bàn. Xã đã tập trung vận động nhân dân phát triển nghề rừng. Trung bình mỗi hộ dân của Thanh Sơn đã được giao từ 10 đến 15ha rừng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nhân dân trồng các loại cây như quế, sa mộc, keo. Bên cạnh đó, xã cũng quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh rau, mía tím, nấm linh chi; chăn nuôi gà đồi, bò... Đặc biệt, mô hình trồng nấm linh chi ở Thanh Sơn đang có nhiều tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn là sản phẩm không chỉ giúp nhân dân thoát nghèo, mà còn có thể làm giàu. Hộ gia đình anh Nịnh Văn Năm, thôn Khe Lọng Ngoài đã đầu tư 1.700 túi nấm linh chi với trị giá gần 12 triệu đồng. Để bảo đảm tốt cho việc chăm sóc, thu hái, anh Năm đã tạo việc làm cho 4 nhân công là người địa phương. Giá bán của mỗi kg nấm linh chi khoảng 500.000 đồng và thị trường tiêu thụ lại rất rộng. Lãnh đạo xã cho biết đây sẽ là hướng phát triển kinh tế ổn định cho người dân xã Thanh Sơn trong thời gian tới.
 
Ngoài sản xuất tập trung theo dự án, xã còn hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công hoặc tạo điều kiện tín chấp vay vốn hình thành các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả kinh tế. Đồng thời xã còn quan tâm phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp, coi đây là cầu nối giữa nông dân với các tổ chức khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp.
 
Đồng chí Lã Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Thanh Sơn là xã nghèo, miền núi, điểm xuất phát thấp nên cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong xã cần nỗ lực nhiều hơn. Trong tổ chức sản xuất, cần phát huy lợi thế của đất lâm nghiệp, đất vườn đồi, kinh tế hộ gia đình; phát triển mạnh chăn nuôi; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất; thành lập các tổ hợp, HTX. Tuy còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM nhưng với sự chỉ đạo tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng của toàn thể người dân, tin rằng Thanh Sơn sẽ trở thành xã NTM theo lộ trình đề ra”.
 
 
Ý kiến của bạn