Là chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nông thôn và nông dân, Chương trình nông thôn mới (NTM) ở Yên Bái được chính thức thực hiện từ năm 2011 với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 có từ 15 đến 20% xã trong tỉnh đạt tiêu chí xã NTM.
Bê tông hóa đường GTNT là 1 trong 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, thuật ngữ “nông thôn mới” đã được nhắc đến nhiều và đang thu hút sự quan tâm của nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế với nhiều người, Chương trình xây dựng NTM và nội dung cụ thể của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM vẫn còn mới lạ, đặc biệt là bà con nông dân - những chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM.
Theo tinh thần Nghị quyết số 26 NQ/TW - Ban chấp hành Trung ương 7 (Khoá X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" thì NTM được hiểu là vùng không phải thị tứ, thị trấn, thị xã và khác nông thôn truyền thống hiện nay. Có thể khái quát theo năm nội dung là: Làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ.
Để cụ thể hoá những nội hàm này, Bộ tiêu chí quốc gia về NTM được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào tháng 4 - 2009 là sự hợp thành của 19 nội dung cụ thể, được phân thành 5 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là “Quy hoạch và thực hiện quy hoạch”; nhóm thứ hai về “Hạ tầng kinh tế - xã hội” với các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư; nhóm thứ ba là về “Kinh tế và tổ chức sản xuất” gồm tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất; nhóm thứ tư là “Văn hóa- xã hội - môi trường” gồm tiêu chí giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường; và cuối cùng là nhóm về “Hệ thống chính trị” với 2 tiêu chí: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Do điều kiện tự nhiên và xã hội giữa các vùng miền khác nhau, vì vậy các tiêu chí cũng có những điểu khác biệt giữ các vùng, miền.
Đối với khu vực Trung du miền núi Bắc bộ (bao gồm Yên Bái) để được công nhận là xã NTM theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các xã phải đạt được các chỉ tiêu cơ bản sau: Phải đảm bảo đạt về quy hoạch, đạt về hạ tầng kinh tế - xã hội, đạt về kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hoá xã hội - môi trường và hệ thống chính trị. Trong đó, liên quan đến đến ngành nào thì đều có hướng dẫn chi tiết.
Cụ thể, đối với giao thông nông thôn tiêu chí đặt ra đối với Yên Bái là tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật đạt 50%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100% (có 50% cứng hóa); tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 50%.
Về bố trí hạ tầng kinh tế kỹ thuật - đất đai, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 31 hướng dẫn cụ thể quy định quy hoạch phát triển các điểm dân cư nông thôn, đất ở đó là: đất ở đối với hộ nông nghiệp phải lớn hơn 300m2; công sở cấp xã diện tích phải trên 1000m2; nhà trẻ, trường mầm non diện tích đất xây dựng phải đạt lớn hơn 12m2/trẻ; trường tiểu học lớn hơn 10m2/ học sinh; trạm y tế xã phải có diện tích đất lớn hơn 500m2, có vườn thuốc lớn hơn 1000m2; có trung tâm văn hóa - thể thao gồm nhà văn hóa xã diện tích đất xây dựng lớn hơn 1000m2, nhà văn hóa thôn, bản lớn hơn 500m2; 75% số hộ có nhà đạt tiêu chí của Bộ Xây dựng. Xã phải có chợ, điểm phục vụ bưu chính - viễn thông; khu xử lý chất thải rắn, đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi; cấp điện, cấp nước với 95% hộ được sử dụng điện, 70% được dùng nước sạch. Trong kinh tế và tổ chức sản xuất thì quy định mức thu nhập bình quân đầu người/ năm so với mức bình quân chung của tỉnh gấp 1,2 lần; tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 45%;tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10% .
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới
Về văn hóa - xã hội - môi trường xã phải đạt phổ cập giáo dục trung học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học đạt 70%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 20%; xã đạt chuẩn y tế quốc gia; 70% số thôn bản đạt tiêu chuẩn thôn, bản văn hóa; 70% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh quốc gia; không có hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh sạch đẹp... Có thể nói, nếu thực hiện thành công những tiêu chí này, sẽ thay đổi căn bản ở khu vực nông thôn, là sự "đổi đời" của người nông dân.
Sau một năm thực hiện, cùng việc thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, Yên Bái cơ bản tiến hành xong công tác quy hoạch, tổ chức triển khai xây dựng 11 mô hình điểm ở từng địa phương... Có thể nói, đây mới chỉ là những bước khởi đầu, những công việc để xây dựng mô hình NTM ở Yên Bái trong năm nay và những năm tiếp theo còn rất nhiều. Do đây là một chương trình rất lớn, có ý nghĩa quyết định đến khu vực nông thôn và đời sống mỗi người nông dân, bao trùm tổng thể các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở nông thôn (chỉ tính riêng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tính toán mức đầu tư mỗi xã đã lên đến khoảng 200 tỷ đồng) vì vậy sẽ còn rất nhiều khó khăn nếu không có sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và người dân. Vì vậy cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Chương trình xây dựng NTM cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của người nông dân - chủ thể của chương trình. Vì vậy, những người nông dân cần thực sự hiểu mục tiêu và những tiêu chí của Chương trình để có những việc làm cụ thể như có những biện pháp nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập xoá đói giảm nghèo; đồng sức, đồng lòng trong việc cùng Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: đóng góp công sức, vật liệu, tiền... hay hiến đất để làm đường, xây dựng thiết chế văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá, bảo vệ môi trường v.v...
Đồng sức đồng lòng, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp mới xây dựng thành công chương trình NTM, để làm thay đổi cuộc sống của từng hộ nông dân, cũng như thay đổi vùng nông thôn theo hướng ngày càng văn minh - hiện đại.