Quảng Ninh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới

 8824 lượt xem
Thời gian qua, việc thực hiện "Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới" của Chính phủ đã được huyện Quảng Ninh triển khai khá đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả tích cực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng phát triển sản xuất bền vững... góp phần thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đồng thời xây dựng kế hoạch chương trình giai đoạn 2011-2015. Ban Chỉ đạo huyện đã tổ chức phát động rộng rãi về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cùng đoàn kết, chung tay góp sức cùng thực hiện. 

Thông qua các chương trình, dự án và sự đóng góp của nhân dân, cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất về điện, đường, xưởng, trường, trạm, chợ... Đến nay, toàn huyện có 15/15 trụ sở xã, thị trấn, 41/53 trường học và 8/15 trạm y tế được xây dựng khang trang; 100% xã, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia và phủ sóng thông tin, liên lạc. Các tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa với tổng chiều dài lên trên 220 km, hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố hóa, giao thông thủy lợi nội đồng nâng cấp, mở rộng, quy hoạch khoanh ô, tạo vùng các cánh đồng để đảm bảo cơ giới hóa sản xuất. Một số công trình thủy lợi như hồ chứa nước Rào Đá, Troóc Trâu, cụm hồ đập xã Trường Xuân… được đầu tư xây dựng đáp ứng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. 
 
Cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức mặt trận đoàn thể, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh luôn nhận được sự đoàn kết của người dân. Quy chế dân chủ theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" cũng được triển khai có hiệu quả, góp phần vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ tốt các công trình đang thi công. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn huy động các nhà hảo tâm, con em quê hương đang công tác ở mọi miền đất nước ủng hộ vật chất, tinh thần trong thực hiện các chương trình... Nhờ vậy, toàn huyện đã có 2 xã đạt 5/19 tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 
 
Đến năm 2015, huyện Quảng Ninh phấn đấu có 6 xã đạt 19 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 3 xã đạt 12 tiêu chí và 4 xã đạt dưới 10 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, Đảng ủy, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của chương trình; tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồng thời coi trọng vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Việc tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tại chỗ của nhân dân và các nguồn vốn khác cũng cần được chú trọng nhằm tạo “sức bật” theo hướng mỗi làng một sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn để phát triển kinh tế bền vững. 
 
Bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ và sự tham gia hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, huyện Quảng Ninh phấn đấu thực hiện thắng lợi "Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới" để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 
 
 
Ý kiến của bạn