Già làng người K’Ho làm theo lời Bác

 9860 lượt xem
Dù đã bước qua 68 mùa rẫy nhưng già làng K’Brịp (thôn Di Linh Thượng 1, xã Gung Ré, Di Linh, Lâm Đồng) vẫn rắn rỏi và minh mẫn. Trong ngôi nhà sàn nằm khiêm nhường sau khu chợ thị trấn Di Linh sầm uất, già chia sẻ với chúng tôi về quan niệm học tập, làm theo gương Bác Hồ theo cách của riêng mình. 
Già K’Brịp bên bộ sưu tập chóe rượu cổ của mình.

Trong gian nhà sàn cũ kỹ nổi bật với những bằng khen của già K’Brịp được treo rất trang trọng. Đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng trong Cuộc vận động làm theo lời Bác năm 2010, Bằng khen Chiến sỹ thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010,  Bằng khen biểu dương điển hình tiêu biểu trong cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư cấp tỉnh, Bằng khen trong công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học… Với già, những bằng khen ấy như là báu vật, được trân trọng và giữ gìn cho con cháu đời sau noi theo.

Năm nay dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày già K’Brịp vẫn cần mẫn và chăm chỉ trong công việc gia đình. Những người con của già nay đã lớn cả, có người đã lập gia đình, có người là cán bộ xã… và gia đình già vẫn giữ nếp sống truyền thống của người K’Ho trong căn nhà sàn xưa cũ. Đời sống nay không còn vất vả với nguồn thu nhập ổn định từ vườn cà phê, ruộng lúa sau nhà. Như nhiều hộ khác trong buôn, gia đình già K’Brịp đã có của ăn của để nên tạo điều kiện để ông hăng say tham gia công tác xã hội, đặc biệt là hưởng ứng phong trào nhân dân cả nước học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Già K’Brịp khúc chiết: “Tôi nghĩ là người dân lao động bình thường thì nên tập trung học tập theo Bác ở đức tính “cần” và “kiệm”. Như vậy mới mong nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện thu nhập của gia đình để thoát nghèo”.
 
Khi cả nước sôi nổi hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo Bác Hồ thì già K’Brịp cũng âm thầm học tập theo gương Bác theo cách của riêng mình. Với triết lý: “Mình là nông dân, nếu không cần cù, không tiết kiệm thì sẽ rất khó để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình”. Từ đó, già đã vận dụng ngay vào thực tiễn để rèn luyện các đức tính quý báu ấy cho bản thân, cho gia đình, con cháu nhằm xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không chỉ thế, già K’Brịp còn tìm cách tuyên truyền, vận động bà con trong buôn làng cùng tham gia hưởng ứng phong trào.
 
Với phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, cứ mỗi lần đến nhà ai, già lại nói chuyện nhỏ nhẹ về hiệu quả của việc cần cù lao động, tiết kiệm chi tiêu để xây dựng cuộc sống ấm no. Trong các buổi họp thôn, dịp lễ tết gặp mặt đông đủ bà con già cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu. Cứ thế, năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng đã được nâng cao, các hủ tục ma chay, cưới hỏi đã có nhiều thay đổi lớn. Đặc biệt là bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi được tổ chức ít tốn kém hơn như trước đây. “Tôi mừng nhất là hiện nay được thấy bà con lao động cần cù hơn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao đời sống kinh tế” - già K’Brịp nói.
 
Không dừng lại trong phạm vi buôn làng, già K’Brịp còn soạn hẳn một bài tham luận về ý nghĩa của đức tính “cần, kiệm” để trình bày trên tỉnh trong đợt tổng kết Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với tính thuyết phục, bài tham luận nhận được sự tán thành, ủng hộ của nhiều đại biểu. Đồng thời già K’Brịp còn được tuyên dương, nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo lời Bác. Vào cuối năm 2010, già cũng là người vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong Cuộc vận động lớn này.
 
Già K’Brịp còn là người yêu thích bảo tồn văn hóa dân tộc. Ngoài việc tham gia biên soạn giáo trình dạy tiếng K’Ho, già còn lưu giữ nhiều đồ cổ trong ngôi nhà sàn của gia đình. Đó là những cái chiêng, cái chóe cổ có từ đời vua Gia Long hay là mâm đồng, thau đồng, chảo đồng, trống da… được cất giữ cẩn thận. Già K’Brịp chia sẻ: “Đây là những vật dụng của ông cha để lại nên nhiều người đã đến hỏi mua những vật dụng này nhưng tôi đều từ chối, nhất quyết không bán. Tôi muốn lưu giữ những vật dụng truyền thống của dân tộc mình để giúp con cháu sau này không quên đi nền nếp văn hóa của gia tộc cũng như của cả dân tộc này”.
 
 
Ý kiến của bạn