Thành công nhờ phát triển nông sản sạch

 11293 lượt xem
Bà Nguyễn Thị Hợp - Giám đốc HTX nông sản an toàn gạo Nàng Xuân thuộc xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là người phụ nữ thành công nhờ đã mạnh dạn lựa chọn phát triển nông sản sạch. 

Bà Hợp hiện đang sinh sống tại thôn Công Cối là một trong 7 thôn của xã Đại Xuân, hiện có diện tích đất nông nghiệp 105 ha, trong đó diện tích trồng lúa 2 vụ là 80 ha, còn lại là trồng rau màu. Với cơ cấu giống 2 vụ chiêm và mùa 40 ha lúa thơm, còn lại là lúa chất lượng cao và lúa hàng hóa. Người dân cần cù lao động, luôn nắm bắt tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều năm là điểm sáng để trình diễn các mô hình của huyện và của tỉnh. Song trong những năm gần đây, với vị trí gần khu công nghiệp Quế Võ 1 cho nên lao động nữ từ 18 đến 50 tuổi tham gia động tại khu công nghiệp, còn lại phần lớn là các bà, các chị phụ nữ từ 50 tuổi trở lên tham gia sản xuất nông nghiệp, gặp tình trạng “được mùa thì mất giá" dẫn đến một số diện tích khó khăn không tiện canh tác bắt đầu hoang hóa.

Bản thân bà Hợp nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nên rất băn khoăn lo lắng. Bởi lẽ, lao động nông thôn thì dư thừa, hạt thóc làm ra giá thì rẻ, tính ra ngày công lao động quá thấp, đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cao; hơn nữa, sử dụng nhiều phân đạm, lân, kali, thuốc bảo vệ thực vật rất hại cho sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống.

            Bà Nguyễn Thị Hợp - Giám đốc HTX nông sản an toàn gạo Nàng Xuân

Bà hợp cho rằng: Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phải đứng trước những thách thức rất lớn khi sản xuất không chỉ dừng lại ở đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp mà còn để phục vụ thị trường; thị trường lại có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng, chủng loại khác nhau. Do vậy người nông dân phải tự thích ứng để phát triển, chủ động trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật... để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với trăn trở đó, tháng 3/2017, sau khi có đề án 939 của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” bà đã có ý tưởng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và Hội cấp trên, mô hình HTX nông sản an toàn Đại Xuân đã được thành lập với sự tham gia của 125 thành viên, trong đó Ban quản lý HTX gồm 7 chị em Ban chấp hành Chi hội Phụ nữ thôn Công Cối và bà làm Giám đốc.

Bà luôn xác định rõ sản phẩm của HTX sản xuất ra phải đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chi phí đầu vào phải thấp, sản lượng cao, đạt tiêu chuẩn và được thị trường chấp nhận có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, sau nhiều nỗ lực, HTX đã xây dựng vùng lúa nguyên liệu tập trung là 40 ha với giống lúa Nàng  Xuân và Bắc thơm số 7. Tháng 12/2017, được sự đồng hành hỗ trợ của Hội LHPN huyện thì sản phẩm gạo Nàng xuân đã được ra mắt, có bao bì mẫu mã riêng, được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, được mang thương hiệu gạo “Tẻ thơm Quế Võ". Từ đó, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, bám sát vào sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp huyện, sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyên gia KHKT...

Năm 2018, bà đã mạnh dạn đưa giống lúa thảo dược vào sản xuất thí điểm với diện tích 2,5 ha. Đây là một giống lúa mới có nguồn gốc từ Nghệ An có giá trị dinh dưỡng cao nên có tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Bước đầu bà đã động viên được 32 thành viên tham gia thực hiện thí điểm mô hình. Để bà con hội viên yên tâm sản xuất, bà Hợp đã đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bà nhận thấy rằng, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt phải biết tiếp cận công nghệ thông tin để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, ngoài ra còn quảng cáo sản phẩm và bán hàng, nhưng với kiến thức này bản thân bà còn hạn chế.

Đang loay hoay chưa biết làm cách nào thì tháng 8/2019, được Hội LHPN tỉnh tổ chức lớp tập huấn về tiếp cận công nghệ thông tin bán hàng và cách làm phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh. Qua lớp tập huấn, những kiến thức được tiếp thu như đã chắp thêm cánh cho bà. Bà bắt tay ngay vào làm phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh. Bà không thể ngờ những nguyên liệu để thay thế cho lân, đạm, kali, thậm chí cả thuốc bảo vệ thực vật đều là những cây, con, quả, thức ăn thừa có sẵn như: cá, ốc làm ra đạm, bèo tây làm ra phân lân, thân chuối, lá chùm ngây làm ra kali, còn thuốc bảo vệ thực vật từ IMO ngâm với riềng, sả, lá chùm ngây, lá xuyến chi. Ngoài ra còn sản phẩm vi sinh IMO còn xử lý được mùi hôi thối từ cống rãnh và các chuồng, trại chăn nuôi... Cứ như thể bà thực hiện vướng mắc ở khâu nào lại hỏi thầy giáo ở khâu đó.

Ban đầu, bà thử nghiệm trên tất cả các loại cây ăn quả, rau ăn lá, cho thấy kết quả rất tốt trên các loại rau ăn lá. Đặc biệt là trên cây lúa bà phun thí điểm trên diện tích lúa của gia đình mình, bởi lẽ mất lúa của mình mình không sợ mà chỉ sợ mất niềm tin của chị em trong HTX.

Qua quá trình thử nghiệm, chi phí cho sản xuất lúa và các loại rau chỉ bằng 1/3 chi phí lại không độc hại, cây lúa phát triển tốt, lá khỏe, dài, năng suất đạt bằng và hơn sản xuất truyền thống.

     Sau gần một năm thử nghiệm làm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, đến nay đã được đông đảo thành viên HTX và nhân dân tin dùng. Bà đã hướng dẫn hàng trăm lượt chị em và tặng hơn 1000 lít phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh và luôn sẵn sàng hướng dẫn cho ai có nhu cầu học.

Nhận thấy, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch từ nguồn gốc đến chăm bón là phương thức canh tác bền vững và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, nhất là trong sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày nay. Nhận được sự quan tâm, đồng hành hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Hội LHPN các cấp, sự chủ động tích cực của mỗi thành viên HTX, nhất là năm 2019 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh với số tiền là 300 triệu đồng, HTX đã đầu tư mua máy móc, xây nhà xưởng để chủ động hơn trong sản xuất.

Sau 3 năm thành lập HTX, đến nay sản phẩm gạo của HTX đã được thị trường chấp nhận, có mặt trong một số siêu thị và cửa hàng nông nghiệp sạch tại Hà Nội, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và là 01 trong 25 sản phẩm của tỉnh Bắc Ninh được đăng ký sản phẩm OCOP./.

                                                                                                                                                                                                                   Lan Hoàng

 
Ý kiến của bạn