TĐKT - Sáng 18/1, tại Quảng Ninh, Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (bao gồm: Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tới dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự có các đồng chí là đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng của 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Cụm trưởng Cụm thi đua năm 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị
Năm 2020, các tỉnh trong Cụm đã chú trọng phát động và triển khai các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của đất nước và của từng địa phương. Đồng thời, các tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tính hết năm 2020, toàn Cụm đã có 1.241/1.310 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 64/84 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, các tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư của các tỉnh trong cụm. Tỷ lệ giảm nghèo của các tỉnh trong Cụm giảm so với bình quân của cả nước. Tiêu biểu trong Cụm là tỉnh Quảng Ninh, đã lập được thành tích xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Về phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các tỉnh trong Cụm đã ban hành và triển khai kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, trách nhiệm, thân thiện...
18 cá nhân được UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen
Cùng với thực hiện hiệu quả 4 phong trào thi đua lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động, các tỉnh còn chủ động triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi phù hợp với điều kiện của tỉnh mình.
Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng được các tỉnh kịp thời hoàn thiện; bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn... Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định, có nhiều đổi mới, đã chú trọng khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất, khen thưởng điển hình tiên tiến, khen thưởng đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Một số tỉnh đã hoàn thành dứt điểm việc thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến như Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình…
Kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần tích cực vào việc đưa kinh tế - xã hội của 9 tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện, kết hợp hài hòa giữa tập trung các mũi đột phá với tầm nhìn chiến lược theo hướng phát triển bền vững; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các tỉnh trong Cụm thi đua đạt mức độ khả quan: Quảng Ninh tăng 10,05%; Hà Nam tăng 7,02%; Nam Định tăng 6,97%; Ninh Bình tăng 6,78%; Hưng Yên tăng 6,46%; Hải Dương tăng 3,24%; Thái Bình tăng 3,23%; Vĩnh Phúc tăng 2,21%; Bắc Ninh tăng 1,36%.
Lĩnh vực cải cách hành chính có nhiều biến chuyển, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, cụ thể: Quảng Ninh có chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 3 năm liền đứng đầu cả nước; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất năm 2019; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 3 toàn quốc năm. Hải Dương có chỉ số cải cách hành chính năm 2019 xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 8 bậc so với năm 2018...
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã chúc mừng và biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong năm qua.
Đồng chí Phạm Đức Toàn đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là cụm thi đua đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Sự sâu sát của lãnh đạo tỉnh; sự tham gia, phối hợp và hưởng ứng tích cực của Mặt trận Tổ quốc, của các cấp, các ngành; sự đóng góp, nỗ lực lớn của đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng… đã góp phần quan trọng vào việc ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các tỉnh. Các tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước các cấp trong điều kiện nhiều khó khăn chung về kinh tế và đại dịch Covid – 19 gây ảnh hưởng khó lường vừa qua.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tặng hoa chúc mừng các đơn vị Cụm trưởng, Cụm phó Cụm thi đua năm 2020 và 2021
Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chỉ rõ: Năm 2021, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp; tạo ra những thời cơ thuận lợi cũng như những khó khăn thách thức mà các tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng phải đối mặt. Để phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tới, đồng chí trân trọng đề nghị 9 tỉnh quan tâm tập trung hơn nữa một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trọng tâm là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau khi được ban hành).
Các đơn vị trong Cụm thi đua 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng ký kết giao ước thi đua năm 2021
Hai là, chủ động bám sát các nội dung do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X để cụ thể hóa trong các phong trào thi đua của các tỉnh trong Cụm, bảo đảm phong trào thi đua của Cụm không ngừng đổi mới, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nâng cao chất lượng, góp phần động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm (2021 - 2025). Đồng thời, quan tâm tham gia ý kiến xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cụ thể là: Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết thi hành; tiến hành tổng kết công tác khen thưởng thời kỳ kháng chiến (hiện nay, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đang xây dựng Hướng dẫn, dự kiến gửi các tỉnh trong tháng 1/2021 để triển khai thực hiện).
Ba là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng, công tác tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, chia sẻ cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, tạo sự lan tỏa tốt trong cụm và toàn xã hội. Hoàn thiện quy chế và các tiêu chí bình xét của cụm cho phù hợp hơn nữa với thực tiễn. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã phát động phong trào thi đua năm 2021
Hội nghị đã thống nhất đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ninh; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Nam Định và Hà Nam. Đồng thời thống nhất suy tôn tỉnh Hưng Yên là đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2021; tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc là hai đơn vị Cụm phó.
Dịp này, 18 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh vì đã có thành tích trong công tác tham mưu tổ chức các hoạt động cụm, khối thi đua năm 2020. Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã phát động phong trào thi đua năm 2021.
Mai Thảo
http://thiduakhenthuongvn.org.vn/node/7392?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo