(HNMO) - Tại cuộc họp báo chiều 20-8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp biểu quyết thống nhất trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ đến 6h ngày 6-9-2021.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, lãnh đạo một số sở, ngành thành phố cùng tham dự cuộc họp thông tin với báo chí về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh buổi họp báo
Đã có hơn 2.700 ca mắc trong đợt dịch thứ tư
Thông tin tại họp báo về tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, tính đến 12h ngày 20-8, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, toàn thành phố đã phát hiện hơn 2.700 ca mắc, trong đó có 1.439 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong thời gian giãn cách, thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng, tập trung vào những khu vực, địa bàn có nguy cơ cao. Trong đợt 2, thành phố đã lấy được hơn 500.000 mẫu, phát hiện 18 ca F0, trong đó có 13 ca tại khu chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai.
Về nhận định tình hình, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố kịp thời, đúng đắn đã giúp cho thành phố khống chế đà lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức rất cao, khó lường vì nhiều chùm ca bệnh có số lượng ca mắc mới. Xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới, còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại họp báo
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, trong cả 2 đợt giãn cách, người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Người dân không đổ xô đi mua hàng. Thành phố đã ban hành rất kịp thời các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc vận chuyển kịp thời, cung ứng đầy đủ cho hệ thống phân phối hàng hóa. Do chủ động nguồn cung, ngay cả khi nhiều siêu thị, cửa hàng phải tạm ngừng hoạt động cũng không ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn.
Để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân, thành phố tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng gấp 3 lần lượng dự trữ tại kho hàng và tăng 50% lượng hàng trên kệ. Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng các điểm bán hàng lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng xe buýt. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức bán hàng đến tận nhà trọ của công nhân, lao động.
“Trong mọi tình huống, thành phố sẽ luôn bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Người dân hoàn toàn yên tâm không phải mua sắm tích trữ”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, dù đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng người dân ra đường rất đông. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tăng cường hoạt động của các tổ công tác liên ngành, kết hợp với các tổ tuần tra, kiểm soát của công an các địa phương để kiểm soát chặt người ra đường, bảo đảm hiệu quả giãn cách xã hội.
Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội bảo đảm thực chất
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, quán triệt sâu sắc tinh thần Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả, tất cả nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân. Việc giữ được an toàn cho Hà Nội không để dịch bùng phát mạnh có tác động rất lớn tới hiệu quả phòng, chống dịch trên cả nước, nhất là khu vực phía Bắc.
Qua hai đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy, đây là biện pháp hoàn toàn chính xác, kịp thời. Thành phố đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Lực lượng rất lớn người dân đã tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết lập hệ thống chốt kiểm soát, thiết lập “vùng xanh”; giúp giảm tải, tạo điều kiện cho các lực lượng tuyến đầu tập trung vào công tác chuyên môn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi họp
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, qua nghe báo cáo và thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố nguy cơ rất cao, vẫn còn F0 trong cộng đồng. Dịch bệnh ở phía Nam, cũng như ở các địa phương xung quanh Hà Nội vẫn phức tạp, mới nhất là ở tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, yêu cầu giãn cách xã hội nhằm hạn chế thấp nhất người ra đường vẫn chưa được thực hiện triệt để. Tình hình đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, thực chất hơn nữa.
“Nhằm giữ vững thành quả, với quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến 6h ngày 6-9-2021. Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ra văn bản tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thực chất”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.
Bác bỏ thông tin sai lệch về 7 ngày “3 tại chỗ”
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, để tiếp tục tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách xã hội, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để "bóc tách" F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế, lượng người ra đường vẫn còn đông. Việc này, lãnh đạo thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thực hiện chiến lược vắc xin, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức tiêm ngay khi có vắc xin. Đến nay, ngoài các đối tượng ưu tiên, 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm vắc xin. Trong đợt tiêm thứ 10 sắp tới, thành phố sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, những trường hợp thuộc diện tiêm phòng vắc xin mũi 2, người lao động tham gia chuỗi cung ứng, các dịch vụ, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, công nhân vệ sinh môi trường...
Chủ động các phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, đến nay, thành phố đã chuẩn bị xong phương án 10.000 giường bệnh điều trị F0, đang chuẩn bị phương án 20.000 giường, 40.000 giường điều trị F0. Đến nay, các khu cách ly tập trung ở ngoại thành cũng đã sẵn sàng với 30.000 chỗ cách ly F1. Thành phố cũng đã sẵn sàng đưa vào vận hành các khu cách ly đáp ứng 70.000 chỗ và 100.000 chỗ cách ly F1.
Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng, chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm Cấp cứu 115, kết nối tất cả xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi phục vụ nhanh cho công tác cấp cứu, được quản lý bằng phần mềm. Hà Nội cũng đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, bảo đảm chặt chẽ, khoa học.
Đề cập thông tin lan truyền trên mạng về việc thành phố thực hiện 7 ngày “3 tại chỗ” đối với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác.
Chi 460 tỷ đồng hỗ trợ 22 nhóm đối tượng khó khăn do dịch bệnh
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh, tính đến 15h ngày 20-8, tổng kinh phí chi trả hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đạt 460 tỷ đồng. Trong đó, có 230 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ; 190 tỷ đồng hỗ trợ 10 nhóm đối tượng đặc thù riêng của thành phố; 40 tỷ đồng do cấp huyện, xã rà soát, hỗ trợ.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc còn hỗ trợ các nhóm đối tượng trên 30 tỷ đồng; công đoàn hỗ trợ hơn 40.000 lượt người lao động khó khăn với gần 5 tỷ đồng; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng.
Thành ủy, UBND thành phố còn yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu tổ chức phương án hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh; bổ sung 500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố ủy quyền cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung vào nguồn cho vay hỗ trợ doanh nghiệp duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Hà Nội tổ chức khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp
Về công tác khai giảng năm học mới 2021-2022, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại cho biết, thành phố sẽ tổ chức khai giảng theo đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT. Vào 7h30 ngày 5-9-2021 (chủ nhật), thành phố sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.
|
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
|
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1009502/ban-thuong-vu-thanh-uy-ha-noi-tiep-tuc-gian-cach-xa-hoi-den-6h-ngay-6-9-2021