Việt Nam - Ấn Độ: Thi đua, khen thưởng đi vào thực tế

 10235 lượt xem
(BTĐKT) – Vừa qua, đồng chí Vương Văn Đỉnh, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương làm trưởng đoàn cùng cán bộ của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có chuyến công tác thành công tốt đẹp tại nước Cộng hòa Ấn Độ nhằm nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng của nước bạn. 

Trong chuyến đi lần này, Đoàn ta đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo cao cấp của Bang Delhi và Bộ Phát triển nhân sự, hưu trí và khiếu nại Ấn Độ, trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng của nước bạn về các nội dung: Các hình thức khen thưởng; đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức trao tặng huân, huy chương và danh hiệu; chính sách chế độ đãi ngộ.

Nhiều nội dung quan trọng được trao đổi với cấp chính quyền ở một bang và cấp bộ của nước Cộng hòa Ấn Độ. Phía Ấn Độ cho biết, trên phạm vi cả nước có các đạo Luật chung, ngoài ra mỗi Bang, Bộ còn có các Đạo Luật riêng và căn cứ vào đó sẽ quy định các hình thức khen thưởng như: Giải thưởng A- ra - mát – sa dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho Tổ quốc; giải thưởng Chính phủ Điện tử Quốc gia cho lĩnh vực thông tin (mỗi năm chọn một ngành cho các đối tượng cá nhân, một nhóm hoặc một tổ chức); giải thưởng cho Công dân xuất sắc; giải thưởng cho nhà giáo cấp Quốc gia và cấp Bang; giải thưởng cho ngành thuế và nhân viên thu thuế; giải thưởng xuất sắc cho lĩnh vực hành chính công; giải thưởng dành cho người nước ngoài như giải thưởng Nêru; có các loại Huân chương (Huân chương Quân công, Huân chương Chiến  công....) và các Huy chương trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật; Bằng khen và Giấy khen và Thư chứng nhận thành tích tốt... Đặc biệt, Ấn Độ còn có Huân chương dành cho cá nhân làm công tác chữa cháy, giải thưởng giành cho công dân ở nhiều lĩnh vực, trẻ em dũng cảm.
 
Ngoài ra, hình thức khen thưởng đa dạng như: Khen cho cá nhân có đóng góp khi mất, khen cho cá nhân có đóng góp trong quản trị công, khen cho cảnh sát về sự đóng góp của họ, khen về an ninh quốc phòng, khen cá nhân có công cải cách hành chính, khen bầu cử, khen cho người có thành tích cao trong học tập…
 
Tiêu chuẩn khen thưởng được quy định ở Đạo Luật chung về công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra mỗi Bang, Bộ còn có những Đạo luật riêng quy định tiêu chuẩn khen thưởng nhưng chủ yếu là ở mức khuyến khích, theo dõi giám sát và động viên, chủ yếu khen cho cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi năm khen thành tích về một chuyên đề như Giáo dục đào tạo, Y tế ... Tiêu chuẩn khen thưởng dựa trên sự đánh giá công suất, hiệu quả làm việc, phẩm chất, năng lực công tác.
 
Hồ sơ khen thưởng từ cấp Bang, Bộ được chuyển lên Hội đồng giám sát sau khi có ý kiến Hội đồng (đa số đồng thuận, ít có trường hợp để lại, chỉ hạ mức khen thưởng). Sau đó hồ sơ được trình lên Thủ tướng và Tổng thống quyết định.
 
Tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của Ấn Độ cũng được quy định cụ thể. Ở cấp Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra và giám sát không quá 6 thành viên làm nhiệm vụ tóm tắt thành tích, trong 02 thành viên chấm điểm để trình Bộ trưởng, Thống đốc bang, thủ tướng hoặc có 01 thành viên là người đã được tăng giải thưởng hoặc được nhận các hình thức khen thưởng cùng cấp. Ở các Bang, Bộ, Vụ trưởng giám sát và đề nghị khen thưởng. Hàng năm lãnh đạo của các Bộ, Bang họp và đưa ra kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và cuối năm cũng họp lại để tổng kết những kết quả đã làm được. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của các Bộ, Bang rất gọn nhẹ chủ yếu làm công tác khen thưởng (Cục Cảnh sát từ 2-3 người; Bộ Nội vụ từ 3-4 người).
 
Về tổ chức khen thưởng, ở cấp Bang, Bộ, Vụ trưởng có quyền khen thưởng và trao thưởng. Vào ngày 21/4 hàng năm Thủ tướng trao tặng trực tiếp các giải thưởng và Huân chương cao quý. Chính sách chế độ ưu đãi như sau: Thưởng bằng tiền mặt tùy từng mức, giải thưởng cao quý có giá trị rất lớn; ưu tiên đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài...
 
Qua đợt công tác làm việc tại Cộng hòa Ấn Độ, Đoàn ta đã rút ra một số vấn đề lưu ý như sau:
 
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, Ấn Độ chỉ tập trung làm công tác khen thưởng, chủ yếu là hội đồng giám sát rất gọn nhẹ nhưng các nội dung chương trình công tác thực hiện quy trình khen thưởng rất hiệu quả.
 
Thứ hai, tuy Ấn Độ không có phong trào thi đua, nhưng họ lại tập trung cao sự giám sát, hiệu quả công việc, phẩm chất, năng lực công tác. Giải thưởng cấp Nhà nước được trao vào ngày 21 tháng 4 hàng năm do Thủ tướng trực tiếp trao tặng để lại  ấn tượng vinh dự, tự hào cho người được khen thưởng và tạo dư luận xã hội, sự trân trọng những cá nhân được tôn vinh cũng như thực hiện tiết kiệm, thiết thực.
 
Thứ ba, mỗi năm Bạn chọn khen một chuyên đề và đối tượng khen là cá nhân, một nhóm cá nhân, một tập thể, tiêu chuẩn dựa trên Đạo Luật quy định chung, chủ yếu là khen cấp Bang, Bộ.
 
Ở đất nước Ấn Độ, khen thưởng dành cho mọi thành phần không phân biệt tôn giáo, nguồn gốc, sắc tộc, việc vinh danh, khen thưởng của nước Bạn mang ý nghĩa nêu gương, động viên về vật chất, tinh thần tạo cho con người  hăng hái, say mê làm việc và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển .
 Nguyễn Văn Vượng
 
Ý kiến của bạn