Đại tá Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty 74, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng

 13488 lượt xem
Đại tá Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty 74, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng sinh ngày 15 tháng 8 năm 1954, nhập ngũ tháng 3 năm 1975; hiện nay cấp bậc Đại tá, Giám đốc Công ty 74, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; quê quán xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; trú quán số 6 Lê Hồng Phong, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. 

Năm 1975 trong tình hình cả nước đang hướng về chiến trường miền Nam, đồng chí đã tình nguyện đăng ký nhập ngũ và nhận lệnh cùng đơn vị (Đoàn Mê Linh) tiến vào giải phóng miền Nam, tiếp quản vùng mới giải phóng tại Tây Nguyên, một vùng đất hoang sơ, cỏ dại, muỗi, sốt rét và bom đạn của kẻ thù để lại. Từ đó đến nay 38 năm đồng chí liên tục gắn bó với địa bàn Tây Nguyên. Trên bất cứ cương vị công tác nào đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho.  

 

Từ năm 2003 đến nay, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty 74, đồng chí đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp và trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, từng bước đưa Công ty 74 phát triển mạnh mẽ và vững chắc, hoàn thành đặc biệt xuất sắc các nhiệm vụ của đơn vị.

 

Đồng chí được đánh giá là người có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chỉ huy, chỉ đạo, điều hành công ty vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo nên những bước đột phá trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đứng vững trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc biên giới phía Tây tỉnh Gia Lai.

 

Đồng chí đã chủ động nghiên cứu, khảo sát, triển khai việc khai hoang mở rộng diện tích trồng cây cao su và cà phê trên đất Tây Nguyên và đang đầu tư mở rộng diện tích trồng cây cao su trên nước bạn Campuchia. Hiện nay, công ty đã trồng mới và đang chăm sóc 8.375,5 ha cao su (trong đó có 1.000 ha trên tỉnh Na-ta-ki-ri của Vương quốc Campuchia) nhằm mục đích gắn kinh tế với quốc phòng, đảm bảo an ninh biên giới; đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 10.500 tấn mủ khô/năm, năng suất mủ cao su năm 2011 đạt 1,7 tấn/ha (tăng 1,87 lần so với 2002), bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 3.500 lao động (tiền lương của người lao động năm 2011 bình quân đạt 7.640.000 đồng/người/tháng; tăng 12,68 lần so với năm 2002).

 

Đồng chí luôn tích cực nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm thành công nhiều giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là năng suất, chất lượng mủ cao su, điển hình là các sáng kiến: Thiết kế hệ thống máng che mưa Pôlime 3 tầng (che bát, che miệng cạo, chắn nước mưa từ thân cây xuống), sáng kiến này đã giúp cho công ty có thể cạo mủ ngay trong suốt mùa mưa, tăng được số ngày cạo mủ trong năm, sản lượng mủ cao su tăng 35 - 40%; ứng dụng công nghệ kích thích mủ cao su bằng khí Ethylen; áp dụng công nghệ khai thác Rim Flow tăng năng suất sản phẩm; chú trọng đầu tư thâm canh vườn cây: Đầu tư phân bón vi sinh kết hợp phân bón hóa học, đào hố tích mùn cho 100% diện tích cao su có độ dốc trên 8%; dùng cỏ, cây họ đậu để ủ nấm, ép xanh làm phân bón cải tạo đất và giữ ẩm cho cây v.v... đã làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt chủ trương “Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn làng”. Hiện nay, 20 đội sản xuất của công ty đã kết nghĩa với 24 thôn làng. Thông qua kết nghĩa, công ty đã tuyên truyền, vận động bà con địa phương xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tiếp thu phương thức sản xuất mới, chuyển đổi giống, vật nuôi, cây trồng, tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.400 lao động người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh sản xuất giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thôn làng văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, thông qua thực tiễn công tác, đồng chí đã có sáng kiến đề xuất và trực tiếp chỉ đạo thực hiện thành công mô hình “Gắn kết hộ” giữa hộ gia đình công nhân người Kinh của đơn vị với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Đây là mô hình có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, đến nay toàn công ty đã có 1.370 cặp hộ gắn kết. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Binh đoàn đã chỉ đạo tổng kết, nhân rộng và triển khai thực hiện trong toàn Binh đoàn. 

 

Đồng chí cũng chỉ đạo đơn vị duy trì và thực hiện nghiêm túc các chế độ sẵn sàng chiến đấu; xây dựng, huấn luyện 01 tiểu đoàn dự bị động viên; 01 đại đội thông tin; 01 đại đội tự vệ tại chỗ và 3 trung đội cơ động, 01 trung đội phòng không 12,7mm. 

 

Trong quá tình công tác, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, vượt khó, tận tụy với công việc; vừa là tấm gương sáng vừa là hạt nhân, trung tâm đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy, đơn vị, được đồng chí đồng đội tin yêu kính trọng. Đồng chí đã lãnh đạo Công ty 74 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch vững mạnh. 

 

Đồng chí đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 2005), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011), danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân (2009), 10 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2002 - 2011). Năm 2010, Công ty 74 do đồng chí làm Giám đốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

 

Với những đóng góp xuất sắc, đồng chí đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Quyết định số 992/QĐ-CTN ngày 31 tháng 5 năm 2013.

 

Nguyễn Bích Phượng

 
Ý kiến của bạn